Cảng cá Quy Nhơn:
“Bà đỡ ” cho nghề cá duyên hải miền Trung
Cảng cá Quy Nhơn được xem là chợ đầu mối thu mua và trung chuyển hải sản sầm uất nhất tỉnh Bình Định và khu vực miền Trung. Nhiều chủ tàu cá trong và ngoài tỉnh đã chọn nơi đây làm “bà đỡ” cho hoạt động nghề cá của mình.
Không ngừng đầu tư nâng cấp
Xuất phát từ nhu cầu thực tế và quá trình phát triển lâu dài, năm 2002 UBND tỉnh đã đầu tư nâng cấp bến đò Hàm Tử thành cảng cá Quy Nhơn. Năm 2003, cảng cá Quy Nhơn xây dựng hoàn thành, chính thức đưa vào sử dụng. Qua thời gian hoạt động, cảng cá Quy Nhơn dần vươn lên trở thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá khu vực, nên ngày càng trở nên quá tải.
Năm 2006, Bộ Thủy sản cho đầu tư nâng cấp và mở rộng cảng cá Quy Nhơn, nhằm phục vụ tốt cho hoạt động khai thác hải sản ở biển Đông, là cơ sở hậu cần cung cấp thực phẩm thủy hải sản cho địa bàn Tây Nguyên và các nước bạn Lào, Campuchia. Ngoài đầu tư xây cầu cảng dài hơn 600m, hệ thống bến bãi trên diện tích hơn 3,5 ha, tổng kinh phí hơn 70 tỉ đồng, cảng cá Quy Nhơn còn được đầu tư xây dựng nhà máy nước đá, khu cung ứng nhiên liệu, khu dịch vụ nghề cá, với tổng kinh phí hơn 23 tỉ đồng bằng nguồn vốn xã hội hóa.
Bên cạnh đó, để khuyến khích tàu thuyền, phương tiện vận tải ra - vào cảng hoạt động thường xuyên nhằm nâng cao hiệu quả khai thác cảng, ngoài phần đầu tư của Nhà nước, Ban Quản lý (BQL) Cảng cá Quy Nhơn đã trực tiếp đầu tư xây dựng 10 căn nhà giao dịch và chứa hàng, 2 kho bảo quản đông lạnh có sức chứa 100 tấn. Ngoài ra, theo chủ trương xã hội hóa, BQL Cảng cá Quy Nhơn đã tổ chức liên doanh liên kết đầu tư khu cung ứng nhiên liệu, nhà máy nước đá, khu dịch vụ hậu cần nghề cá, nâng cấp cải tạo khu bảo quản hàng thủy sản và đang đầu tư xây dựng thêm khu liên hợp kho bảo quản 500 tấn và hầm cấp đông 30 tấn/ngày… với tổng mức đầu tư hơn 45 tỉ đồng, dự kiến đưa vào hoạt động trong quí I năm 2014.
“Vựa cá” miền Trung
Với các hạng mục cầu cảng, bến bãi, luồng lạch thiết kế hiện đại, tiện dụng, cảng cá Quy Nhơn được hình thành như một “căn cứ” của các tàu đánh bắt hải sản xa bờ. Đây cũng là nơi tiếp nhận, phân phối, tiêu thụ và sơ chế, bảo quản hải sản để cung ứng cho thị trường miền Trung, khu vực Tây Nguyên, Lào, Campuchia.
Nhiều chủ tàu cá các nơi cập cảng cá Quy Nhơn để bán sản phẩm và lấy “tổn” đều cho rằng, họ chọn cảng cá Quy Nhơn để tiêu thụ sản phẩm vì cơ sở hạ tầng ở đây khá tốt, hoạt động thu mua diễn ra cả ngày lẫn đêm, các loại hải sản bán rất được giá. Do đó, hoạt động của cảng cá Quy Nhơn luôn nhộn nhịp. Theo thống kê của BQL Cảng cá Quy Nhơn, hiện trung bình mỗi tháng có hơn 1.000 lượt tàu thuyền cập cảng, với lượng hải sản mua - bán đạt gần 5.000 tấn. Tàu thuyền ra vào cảng ngày càng nhiều, kéo theo các dịch vụ hậu cần nghề cá ngày càng phát triển.
Ông Nguyễn Văn Bình, chủ 2 chiếc tàu cá ở Quảng Ngãi, bộc bạch: “2 tàu cá của tôi vừa cập cảng cá Quy Nhơn để bán sản phẩm. Sau khi bán hơn 30 tấn cá các loại, thu trên 1 tỉ đồng, tôi tranh thủ lấy “tổn” để tiếp tục đánh bắt ở vùng biển giữa 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Dự kiến, chừng 20 ngày nữa tàu cá của tôi sẽ lại có mặt ở cảng cá Quy Nhơn để bán sản phẩm”.
Theo ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc Cảng cá Quy Nhơn: Việc đầu tư nâng cấp cảng cá Quy Nhơn đã đáp ứng được yêu cầu phát triển mới của nghề cá trong tỉnh và khu vực, phục vụ một phần nhiệm vụ chính trị khai thác vùng biển Đông của Tổ quốc. Cảng cá Quy Nhơn đã được Chính phủ phê duyệt là cảng cá loại 1 cấp vùng từ năm 2010. Tuy nhiên, hiện một số tiêu chí vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, như cảng chưa có hệ thống cấp nước ngọt, điện 3 pha ra cầu cảng; hệ thống thoát nước mặt trên cảng chưa phù hợp… BQL Cảng cá Quy Nhơn mong các cấp quan tâm đầu tư khắc phục những hạn chế này, để cảng cá Quy Nhơn làm tốt vai trò “bà đỡ” cho nghề cá khu vực.
NGỌC THÁI