Trích lập Quỹ Phát triển KH&CN: Doanh nghiệp thấy lợi, nhưng chưa hào hứng
Hầu hết DN tại Bình Ðịnh là DN nhỏ, siêu nhỏ, nên việc đổi mới công nghệ và trích lập quỹ phát triển KH&CN chưa được quan tâm. Mặt khác, một số quy định trong trích lập, sử dụng quỹ được cho là chưa hợp lý khiến nhiều DN chưa hào hứng.
Công ty CP Phú Tài là một trong 2 DN thực hiện trích lập Quỹ Phát triển KH&CN sau khi có chương trình hỗ trợ.
- Trong ảnh: Công nhân dây chuyền sản xuất đồ gỗ hoạt động tại Công ty CP Phú Tài.
Với mong muốn khuyến khích DN trên địa bàn tỉnh trích lập và sử dụng Quỹ Phát triển KH&CN, UBND tỉnh đã giao Quỹ Phát triển KH&CN tỉnh chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan thực hiện chương trình hỗ trợ DN trích lập quỹ phát triển KH&CN từ tháng 6 - 12.2019, hướng đến đối tượng chính là DN vừa và nhỏ giúp các DN tăng cường nguồn lực thực hiện những hoạt động KH&CN thiết yếu.
Chương trình hỗ trợ DN trích lập quỹ phát triển KH&CN đã tiếp cận 12 DN trên địa bàn tỉnh với những nội dung cụ thể bao gồm: Tư vấn cách trích lập quỹ và sử dụng, quản lý quỹ hiệu quả; cập nhật thông tin và văn bản liên quan; hướng dẫn các thủ tục hành chính, trong đó xây dựng mẫu quy chế chi tiêu, sử dụng quỹ để DN tham khảo; tổ chức hội thảo về việc trích lập, quản lý quỹ để DN và các cơ quan quản lý nhà nước chia sẻ, giải đáp băn khoăn, thắc mắc...
Sau chương trình, có 2 DN tiến hành trích lập quỹ là Công ty CP Phú Tài và DN tư nhân Dịch vụ cây trồng Nguyên Hạnh (TP Quy Nhơn). Ông Phan Quốc Hoài, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Phú Tài đánh giá, việc trích lập quỹ giúp DN tiết kiệm một phần vốn đầu tư vào các hoạt động KH&CN do khoản tiền trích lập quỹ không phải đóng thuế thu nhập DN. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ hoàn thành mọi thủ tục để chính thức ra mắt quỹ.
Kết thúc chương trình hỗ trợ, từ thực tế trao đổi với DN, các thành viên tư vấn nhận thấy đa số DN trước đây chưa tìm hiểu kỹ nên không hiểu rõ lợi ích có được từ việc trích lập quỹ phát triển KH&CN. Ông Thái Hoàng Uẩn, Phó Giám đốc Quỹ Phát triển KH&CN tỉnh, cho hay: “Chúng tôi tư vấn, giải thích cặn kẽ cho DN hiểu đơn vị mình được phép trích không quá 10% lợi nhuận trước thuế mỗi năm để thành lập quỹ. Như vậy, số tiền trích quỹ sẽ không phải chịu thuế, đây là một lợi ích khá lớn. Với vấn đề thủ tục hành chính, thông qua chương trình hỗ trợ, chúng tôi tư vấn, giúp những DN đã trích lập quỹ trước đây hoàn thiện các thủ tục còn lại. Riêng số DN có ý định thành lập quỹ được hỗ trợ kỹ hơn để nắm bắt rõ thủ tục, thậm chí còn biên soạn một số thủ tục mẫu và cung cấp cho DN”.
Lý giải về thực tế nhiều DN chưa hào hứng với việc trích lập quỹ phát triển KH&CN, ông Thái Hoàng Uẩn cho rằng, hầu hết DN tại Bình Định là DN nhỏ, siêu nhỏ nên việc đổi mới công nghệ và trích lập quỹ phát triển KH&CN chưa thật sự được quan tâm. Thêm vào đó, quy định nguồn hình thành quỹ không quá 10% lợi nhuận làm cho số tiền trích quỹ cũng không đáng kể. Quỹ ít đã khó chi, nhưng theo quy định sau 5 năm không chi hết 70% số quỹ đã trích lập DN sẽ phải nộp ngân sách nhà nước phần thuế thu nhập DN tính trên số tiền quỹ còn lại cùng với phần lãi phát sinh từ số thuế thu nhập DN đó.
Nhiều DN kiến nghị để họ được tự chủ nguồn trích lập và chi quỹ. Các cơ quan quản lý nhà nước cần bổ sung cụ thể danh mục thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu DN được phép mua sắm nhằm đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh. Các quy định về nội dung chi mang tính chung chung của quỹ cũng cần được cụ thể hóa để DN tự tin, chủ động khi lập kế hoạch chi mà không lo lắng chuyện sẽ bị xuất toán.
Trong khi đó, để có thể chủ động kế hoạch và hỗ trợ DN trích lập quỹ phát triển KH&CN tốt hơn, Quỹ Phát triển KH&CN tỉnh - đơn vị chủ trì nhiệm vụ hỗ trợ DN trích lập quỹ, kiến nghị được giao kinh phí trực tiếp mà không thông qua một số sở, ngành như hiện nay.
NGỌC TÚ