Thanh toán không dùng tiền mặt: Chuyển biến nhận thức, thay đổi thói quen
Ðánh giá việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh trong năm 2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Bình Ðịnh ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Theo đó thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ tăng trưởng trong số lượng giao dịch, tỷ lệ ngày càng cao mà còn ở chỗ nhận thức của người dân chuyển biến khá tốt; nhiều người đã có thói quen mới trong thanh toán.
Máy POS đã được lắp đặt tại Bộ phận một cửa của UBND TP Quy Nhơn để phục vụ công dân trong giao dịch.
Mở rộng mạng lưới thanh toán
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Bình Định, điểm đáng chú ý là các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tiếp tục mở rộng mạng lưới thiết bị chấp nhận thẻ tại các đơn vị hành chính sự nghiệp như kho bạc Nhà nước (KBNN), các bệnh viện, trường học... để phục vụ thanh toán qua ngân hàng. Đến nay, ở tỉnh ta đã có 212 máy ATM, 849 máy POS đáp ứng nhu cầu thanh toán qua thẻ của hơn 1,065 triệu chủ thẻ với giá trị giao dịch đạt hơn 28.504 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2018.
Ông Thái Trí Hùng, Giám đốc công nghệ Ví điện tử MoMo, DN fintech uy tín tại Việt Nam, chia sẻ: Ðiểm quan trọng của việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong dịch vụ công không phải là tiện ích, công cụ mà là hạ tầng kỹ thuật công nghệ trong việc kết nối dữ liệu giữa cơ quan, đơn vị hành chính và người dân trong thực hiện. Khi đặt vấn đề thanh toán không dùng tiền mặt, trước mắt phải có hạ tầng kỹ thuật công nghệ tốt; tạo thói quen tốt; sau cùng mới đến việc áp dụng giải pháp thanh toán phù hợp, đúng luật.
Cụ thể, thanh toán trực tuyến qua internet hơn 7,5 triệu giao dịch với số tiền hơn 37.000 tỷ đồng; thanh toán qua các ứng dụng cài đặt trên điện thoại thông minh, máy tính bảng hơn 8.850 nghìn giao dịch, số tiền 61.120 tỷ đồng; qua QR code của ngân hàng hơn 77.000 giao dịch, số tiền hơn 1.010 tỷ đồng. Đây thật sự là những con số rất lớn, góp phần tiết kiệm chi phí xã hội so với nếu dùng tiền mặt, hơn nữa còn đảm bảo an ninh cho các bên giao nhận thanh toán.
Việc các NHTM góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt còn thể hiện rõ trong vấn đề hợp tác với các đơn vị sự nghiệp hành chính, các tổ chức, cá nhân để mở rộng mạng lưới thanh toán. Ví dụ, trong năm 2019, Sở Y tế tích cực phối hợp với các NHTM lắp đặt 17 máy POS tại 9/21 đơn vị phục vụ nhu cầu thanh toán viện phí. Hay trong lĩnh vực thu ngân sách nhà nước, các NHTM phối hợp với KBNN tỉnh mở tài khoản chuyên thu; phối hợp với Cục Thuế tỉnh, Cục Hải quan tỉnh thực hiện thu thuế điện tử, thông quan… Đến nay 100% DN đều thực hiện nộp thuế điện tử, thông quan qua tài khoản thanh toán tại các ngân hàng.
Ông Nguyễn Trà Dương, Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Bình Định, cho biết, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh có nhiều thay đổi tích cực. Về cơ bản, nó làm thay đổi dần thói quen sử dụng tiền mặt trong hoạt động thanh toán đối với các đối tượng thụ hưởng ngân sách, các nhà cung ứng dịch vụ, các DN và người dân, giảm chi phí liên quan đến tiền mặt, giảm tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông. Nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, minh bạch hóa các hoạt động thanh toán và thu nhập cá nhân, góp phần vào công tác phòng chống tham nhũng và tội phạm kinh tế trên địa bàn tỉnh.
Còn hạn chế ở lĩnh vực công
Dù thanh toán không dùng tiền mặt ở tỉnh có nhiều mặt tích cực, song điểm đáng tiếc là ở lĩnh vực dịch vụ công lại còn khá nhiều hạn chế. Đơn cử như UBND TP Quy Nhơn, một trong những đơn vị hành chính sớm triển khai thanh toán thu hộ tại bộ phận một cửa, nhưng ở bước chuyển tiếp - thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt - lại khá chậm. Mãi đến tháng 12.2019, tại bộ phận một cửa mới có 1 máy POS để hỗ trợ công dân khi thực hiện thanh toán các khoản phí, lệ phí.
Ông Dương Hiệp Hòa, Chánh Văn phòng UBND TP Quy Nhơn, cho biết, về cơ bản việc áp dụng thanh toán không tiền mặt ở Bộ phận một cửa chỉ mới sử dụng cho khoản thu phí, lệ phí với giá trị rất thấp. Các khoản thu có giá trị lớn vẫn phải thu hộ bằng tiền mặt. Lý do là quá trình thanh toán không tiền mặt, những khoản thu này, phải mất mức phí từ 0,85 - 3,3% tùy vào loại thẻ, trừ vào tiền thu ngân sách, điều này trái với quy định của Luật Ngân sách, trong khi địa phương cũng không có nguồn thu khác để bù vào. Thu phí trong dịch vụ công khác với các đơn vị kinh doanh, phí vận hành, duy trì các giải pháp thanh toán không tiền mặt đang là “điểm vướng” tại Bộ phận một cửa của UBND TP Quy Nhơn hiện nay.
Tương tự, ghi nhận của chúng tôi tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, việc thanh toán không tiền mặt đến nay vẫn mới chỉ dừng lại ở mức để công dân làm quen với tiện nghi, dịch vụ. Qua 2 tháng triển khai việc thanh toán phí, lệ phí điện tử (thông qua phần mềm tích hợp của Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam - BIDV Bình Định và VNPT Bình Định), vẫn dừng ở giai đoạn thu hộ. Hiện giữa hai đơn vị này tiếp tục giai đoạn trong lộ trình triển khai là kết nối hạ tầng của hai đơn vị đồng nhất, tiến hành thanh toán trực tuyến trên cổng dịch vụ công của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
THU DỊU