Tìm lối đi cho thổ cẩm Vân Canh
Vân Canh là địa bàn sinh sống của nhiều dân tộc với những nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Nghề dệt thổ cẩm từng rất phát triển ở nơi đây. Nhưng nay cả huyện chỉ còn vài chục hộ làm nghề này. Các sản phẩm thổ cẩm truyền thống khó tìm được chỗ đứng trên thị trường đầu tiên là do giá cao, ít người có thể mua dùng. “Nghề dệt thổ cẩm truyền thống phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các sản phẩm dệt may công nghiệp - vừa rẻ vừa đa dạng mẫu mã. Giá mỗi bộ quần áo làm từ vải thổ cẩm dệt thủ công khoảng 1,5 triệu đồng, cao gấp 4 - 5 lần so với sản phẩm thổ cẩm dệt may công nghiệp”, anh Nguyễn Đức Thành, cán bộ Phòng VH-TT huyện Vân Canh chia sẻ. Bên cạnh đó, trang phục truyền thống không còn được sử dụng phổ biến, hàng ngày nên nhu cầu mua sản phẩm thổ cẩm ngày càng ít. “Do không có thị trường tiêu thụ, hoạt động sản xuất cầm chừng và không thường xuyên nên nhiều người đã bỏ nghề, dẫn đến nguy cơ mai một”, anh Thành cho biết thêm.
Bà Đinh Thị Lơn (làng Hà Văn Trên, xã Canh Thuận) say sưa bên khung dệt vải thổ cẩm truyền thống.
Để hỗ trợ đồng bào khôi phục nghề dệt thổ cẩm, năm 2018, UBND huyện Vân Canh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn, trong đó chú trọng việc phát triển các mặt hàng, làng nghề thủ công truyền thống. Huyện cũng xây dựng kế hoạch phát triển làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ thổ cẩm tại làng Hà Văn Trên, xã Canh Thuận; mở các lớp đào tạo nghề dệt vải thổ cẩm cho đồng bào; xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch.
Nhờ tích cực hỗ trợ, động viên nên chỉ sau gần 2 năm, số lượng hộ tham gia dệt thổ cẩm trong huyện dần tăng lên, chỉ riêng làng Hà Văn Trên đã có khoảng 30 hộ. Điểm đặc biệt là nhờ tuyên truyền động viên tốt, các lớp học thu hút được nhiều thanh niên tham gia. Thổ cẩm Vân Canh cũng được nhiều du khách gần xa biết đến nhờ các tour du lịch, nhờ huyện hỗ trợ để các hộ dân có thể đưa hàng đến dự các hội chợ, sự kiện thương mại. Một số bạn trẻ đã quảng bá thổ cẩm Vân Canh trên mạng xã hội, nhờ đó nhiều người ở xa đã đặt mua. Lượng tiêu thụ tuy chưa nhiều nhưng cũng giúp đồng bào tiếp tục duy trì nghề dệt chứ không bỏ ngang như trước đây nữa.
Dù vậy, điểm hạn chế rất lớn của thổ cẩm Vân Canh là chủ yếu vẫn tiêu thụ trong làng, xã, thông qua quan hệ cá nhân, mà chưa được đầu tư quảng bá rộng rãi ra bên ngoài, chưa có kế hoạch hỗ trợ dài hơi. Bà Đinh Thị Lơn, ở làng Hà Văn Trên, chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn được huyện hỗ trợ thành lập nhóm cùng làm nghề dệt tại làng, qua đó, giúp chị em có cơ hội chỉ dạy nhau, giúp nhau tìm khách hàng, quảng cáo sản phẩm để bán được nhiều hàng hơn”.
Ông Đặng Văn Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, cho biết: “Thời gian tới, huyện sẽ tăng cường mở các lớp đào tạo nghề dệt vải thổ cẩm để bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số; tạo giải pháp giúp bà con có thêm thu nhập và sống được với nghề; đồng thời, đẩy mạnh công tác giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Song song đó, huyện cũng nỗ lực kêu gọi các tổ chức, dự án quan tâm, hỗ trợ để vực dậy nghề dệt thổ cẩm địa phương”.
HỒNG HÀ