Tây Sơn vào mùa đúc chậu kiểng
Sau Tết Nguyên đán, nhiều nhà vườn trồng thêm cây, thay chậu mới cho cây, nên những người làm nghề đúc chậu kiểng ở Tây Sơn cũng tăng tốc sản xuất, đáp ứng thị trường. Năm nay, hầu hết các cơ sở đều có thêm nhiều mẫu mã mới, nâng cao chất lượng, dải sản phẩm cũng phong phú hơn.
Anh Trần Văn Sơn đang đúc chậu xi măng.
Tại cơ sở đúc chậu kiểng của mình ở xã Bình Nghi, ông Tạ Văn Bông cho biết, nhu cầu mua sắm chậu kiểng có quanh năm, nhưng dịp sau Tết tăng lên rất nhiều, năm nào cũng phải tranh thủ làm cả ngày, không nghỉ trưa mới đủ hàng giao cho khách hàng. Chậu ở đây đúc chủ yếu để bán cho mấy nhà vườn trồng cây kiểng trong huyện, hiện mẫu chậu xi măng đúc giả đồng ăn khách nhất. Mỗi ngày, ông Bông đúc được 4 - 6 cái. Năm nay, giá chậu kiểng có tăng chút ít, tùy kích thước, mẫu mã mà dao động từ 300 nghìn đến 2 triệu đồng/chậu.
Cùng với chậu kiểng xi măng giả đồng, các loại chậu đá mài vẫn giữ được lượng khách quen nhất định. Anh Bùi Văn Hà, ở xã Tây Phú, chia sẻ: Thường thì người chơi cây cảnh, chủ những vườn kiểng lớn vẫn dùng chậu gốm sứ. Nhưng ở giai đoạn nuôi cây hoặc khi cần những chiếc chậu ngoại cỡ, người ta hay dùng chậu đúc bằng xi măng, đá mài. Chậu kiểng đá mài có nhiều kích cỡ, hình dáng như bát giác, lục giác, hình chữ nhật... với giá từ 700 nghìn đến 4 triệu đồng/chậu tùy cỡ và độ phức tạp. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là trong huyện và TX An Khê (tỉnh Gia Lai).
So với bình thường, những ngày gần đây cơ sở sản xuất chậu cảnh xi măng của gia đình anh Trần Văn Sơn ở xã Bình Thành rộn ràng, gấp gáp hơn. Anh Sơn cho biết: Gia đình tôi làm nghề sản xuất chậu xi măng đã 20 năm. Trước kia, chậu xi măng đơn giản lắm, chủ yếu là chậu tròn, trơn, cho nguyên liệu vào khuôn quay là xong. Bây giờ, phải có hoa văn, họa tiết nữa, một số khách hàng còn đòi hỏi có đường nét trang trí riêng để có những chiếc chậu độc bản. Thay vì chậu quay tròn như trước, giờ đây, gia đình tôi sản xuất cả chậu vuông, lục giác, chậu kỷ, chậu mi ni, chậu hình ô van, chậu giả gỗ… với kích thước đa dạng theo yêu cầu của khách hàng. Việc sản xuất chậu giờ khá thuận lợi, năng suất lại cao nhờ có khuôn nhựa cứng, khuôn cao su non để tạo hình sản phẩm, còn được máy móc hỗ trợ.
Theo ông Trần Văn Thiện, Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh huyện Tây Sơn, thời gian đến Hội sẽ động viên, kết nối để các nghệ nhân, các nhà vườn cây cảnh đầu tư thêm nghề đúc chậu, tạo thêm việc làm, đáp ứng nhu cầu thị trường về chậu cũng như cây cảnh.
VĂN PHONG