Thực thi Luật Thủy sản: Nhiều chuyển biến tích cực
Nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thủy sản, thời gian qua, tỉnh ta đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy sản, nâng cao nhận thức cho ngư dân trong việc khai thác thủy sản hợp pháp mang lại hiệu quả tích cực.
Lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát tàu cá xuất, nhập cảng tại cảng cá Quy Nhơn.
Toàn tỉnh hiện có 6.115 tàu đăng ký khai thác thủy sản (KTTS); trong đó có 3.300 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên hoạt động vùng khơi. Thời gian qua, ngành Thủy sản tỉnh phối hợp các sở, ngành liên quan, chính quyền các huyện, thành phố ven biển trong tỉnh triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thực thi Luật Thủy sản, tăng cường công tác quản lý hoạt động KTTS.
Chuyển biến tích cực
Thực hiện đề án thực thi Luật Thủy sản tại Bình Định, ngành Thủy sản tỉnh phối hợp các cơ quan, chính quyền địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn, tọa đàm tuyên truyền Luật Thủy sản, các văn bản dưới luật có liên quan cho chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên nhằm góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật cho ngư dân.
Bộ NN&PTNT cũng đã có văn bản đề nghị 28 tỉnh, thành ven biển trong nước tăng cường quản lý, kiểm soát tàu cá ra, vào cảng; giám sát sản lượng thủy sản qua cảng; tăng cường quản lý đội tàu của từng địa phương; cải thiện các quy trình truy xuất nguồn gốc và chứng nhận thủy sản khai thác... nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả việc thực thi Luật Thủy sản, góp phần khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” thủy sản của Ủy ban châu Âu.
Ông NGUYỄN VĂN TRUNG, Vụ trưởng Vụ KTTS
(Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT)
Ngư dân Nguyễn Hoàn, ở xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, chủ 4 tàu làm nghề câu cá ngừ đại dương, cho biết: “Nhờ được ngành chức năng của tỉnh thường xuyên tuyên truyền, tập huấn nên hầu hết ngư dân, đặc biệt là những người KTTS xa bờ đều nắm rõ, tuân thủ các quy định Luật Thủy sản, như: Ghi nhật ký KTTS để truy xuất nguồn gốc thủy sản; quản lý tàu cá theo hạn ngạch... Đặc biệt chúng tôi tuân thủ quy định lắp đặt thiết bị giám sát hành trình rất nghiêm túc. Riêng tôi đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên toàn bộ 4 tàu cá của mình trước ngày 1.1.2020 để đảm bảo đủ điều kiện vươn khơi”.
Cùng công tác tuyên truyền, ngành Thủy sản và các bên liên quan cũng chú trọng theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy trình giám sát, kiểm soát sản lượng thủy sản qua cảng; duy trì 3 tổ thường trực thanh tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng cá: Quy Nhơn, Đề Gi, Tam Quan. Năm 2019, ngành chức năng đã kiểm tra hơn 25.300 lượt tàu cá xuất, nhập bến tại các cảng cá trong tỉnh; cấp 4.253 giấy phép KTTS, 180 giấy chứng nhận cho 1.689 tấn thủy sản, 839 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm tàu cá.
Ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), cho hay: “Một trong những chuyển biến tích cực nhất trong công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động KTTS xa bờ là việc ban hành quyết định giao hạn ngạch giấy phép KTTS và lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá đã góp phần ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng vi phạm vùng biển nước ngoài. Năm 2019, Chi cục phối hợp các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương tổ chức 47 chuyến tuần tra, kiểm tra hoạt động KTTS ven bờ đối với 676 lượt tàu cá, qua đó phát hiện và xử phạt 71 trường hợp vi phạm với số tiền hơn 237 triệu đồng”.
Ngư dân huyện Hoài Nhơn lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá theo lộ trình quy định.
Theo ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, toàn huyện có gần 2.300 tàu, trong đó có 2.150 tàu cá đánh bắt xa bờ. UBND huyện đã chỉ đạo các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật cho ngư dân; tổ chức cho các chủ tàu, thuyền trưởng ký cam kết KTTS không vi phạm vùng biển nước ngoài. Với các trường hợp vi phạm vùng biển nước ngoài phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Tăng cường thực thi Luật Thủy sản
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thực hiện Luật Thủy sản tại Bình Định vẫn còn nhiều tồn tại, như: Tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn tiếp diễn; nhiều tàu cá còn thiếu giấy tờ do chủ tàu không thực hiện gia hạn lại theo quy định, tự ý cải hoán nhưng không báo cáo cơ quan chức năng; tình trạng KTTS mang tính hủy diệt và phá hoại môi trường sống vẫn còn…
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc, cho biết: Trong số 3.300 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định của Luật Thủy sản, đến nay đã có 69 tàu có chiều dài từ 24 m trở lên và 1.467 tàu chiều dài từ 15 m đến dưới 24 m đã lắp đặt xong. Sở đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản phối hợp các địa phương vận động các chủ tàu chưa lắp đặt đảm bảo thực hiện đúng lộ trình quy định. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, thực thi Luật Thủy sản, công tác kiểm tra, giám sát tàu cá xuất, nhập cảng... phấn đấu trong năm nay không còn tình trạng tàu cá của ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài.
Tại nhiều cuộc họp triển khai thực thi Luật Thủy sản, Chỉ thị 45 của Thủ tướng Chính phủ chống KTTS bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu nhiều lần nhấn mạnh: “Các sở, ngành liên quan, chính quyền các địa phương phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa. Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho ngư dân, phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, xem xét xử lý hành chính hành vi vi phạm và trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm có tổ chức sẽ xem xét xử lý hình sự”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN