Ði chợ nón
“Gò Găng có nón chung tình/ Ở đây có thiếp một dạ với mình, mình ơi”. Khá nhiều người đã tìm đến chợ nón Gò Găng từ câu ca này và có cảm giác như lạc vào một thế giới kỳ ảo trong ánh đèn dầu tỏa vàng, dõi theo cuộc bán mua lạ kỳ- không cò kè, không ngã giá, người bán quen mặt, người mua quen hàng.
Chợ nón Gò Găng với vẻ đẹp lung linh nay lùi về quá vãng.
- Trong ảnh: Tác phẩm “Chợ nón đêm” của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Tiến Đạt.
Chợ nhóm trong đêm, chợ tan khi gà đã gáy canh năm, người trở về, trên chiếc xe có thêm đôi cặp lá kè, bó giang, sợi cước đỏ… là nguyên liệu làm nón. Bởi vậy, phiên chợ này được mệnh danh là “chợ gà gáy”.
Tôi may mắn được gặp cụ bà Lê Thị Sót khi cụ ở tuổi 104 (cụ Sót vừa qua đời vào cuối năm 2019 khi tròn 105 tuổi). Theo lời cụ Sót, dù rất nổi tiếng nhưng Gò Găng không phải là nơi hình thành nghề làm nón lá truyền thống. Làng nón Phú Gia (Cát Tường, Phù Cát) với loại nón ngựa trứ danh mới là nơi có nghề nón truyền thống lâu đời nhất Bình Định; nón lá của làng nghề Phú Gia, nón lá Cát Trinh (Phù Cát), nón lá Thuận Hạnh (Bình Thuận, Tây Sơn), nón lá các thôn ở phường Nhơn Thành bây giờ… xuôi dòng về chợ nón Gò Găng - nơi bán hàng và mua nguyên liệu làm nón lớn nhất Bình Định. Gò Găng cũng có nghề làm nón nhưng không nhiều, dẫu vậy trăm năm mưu sinh cùng nón của người dân nơi này đã làm nên thương hiệu nón Gò Găng!
Làm nón ngựa ở Phú Gia.
Chợ nón lá Gò Găng nay không còn nhóm lúc gà gáy nữa nhưng một phiên chợ tương tự lại thế vào chỗ ấy, vẫn với hình thức tương tự, chợ nón đêm Cát Tân (Phù Cát) lại sáng lung linh. Thật ra những người nhóm chợ nón đêm Cát Tân cũng từ Gò Găng chuyển ra, họ chỉ đổi địa điểm nhóm chợ. So với chợ nón Gò Găng nức tiếng một thuở, chợ nón Cát Tân có quy mô nhỏ, người đi chợ phần nhiều là bởi lưu luyến những nếp xưa, vì nhớ chợ, nhớ nghề và nhớ những con người, song nét duyên dáng dường như lại đằm thắm hơn khi càng ngày càng có thêm nhiều người đến với phiên chợ để tham quan, để trải nghiệm và để chụp ảnh. Chợ nón Cát Tân nhóm theo phiên lẻ (5 ngày nhóm 1 lần) và có phiên, người đến chơi còn nhiều hơn người đến mua bán.
Làng nón Phú Gia nay đã được biết đến như một điểm đến du lịch. Sản phẩm nón ngựa Phú Gia được xây dựng để trở thành quà lưu niệm du lịch của Bình Định. Những chiếc nón lá Bình Định “made in Phú Gia” trở thành một trong những sản phẩm đặc trưng cho du lịch Bình Định.
Nghệ nhân Lê Văn Lan giới thiệu về chiếc nón ngựa Phú Gia.
GS. SimonMilne, Giám đốc Viện nghiên cứu du lịch New Zealand từng săm soi chiếc nón ngựa Phú Gia trên tay và cho rằng, sản phẩm này xứng đáng trở thành sản phẩm quà tặng lưu niệm quan trọng của du lịch Bình Định. Vấn đề là ngành du lịch, chính quyền địa phương và chính người dân làng nghề phải kể được câu chuyện cho nón ngựa Phú Gia. Vị giáo sư này đã lấy ví dụ từ sản phẩm thủ công, mỹ nghệ của người Maori (New Zealand) thành sản phẩm phục vụ du lịch. Để làm điều đó, chính quyền New Zealand đã hỗ trợ xây dựng quảng bá cho sản phẩm thủ công, mỹ nghệ của người Maori bằng một slogan “Nghệ thuật là cuộc sống”. Nón ngựa Phú Gia phải tạo cho một chỗ đứng, có được thương hiệu riêng, có được sự đón nhận. Muốn làm được điều đó, tự bản thân các nghệ nhân, làng nghề phải tự nâng chất lượng sản phẩm lên xứng tầm.
Nghệ nhân Lê Văn Lan (làng Phú Gia) chia sẻ, nón ngựa Phú Gia sẽ hồi sinh khi làng nghề truyền thống Phú Gia được quy hoạch phát triển du lịch. Nón ngựa Phú Gia từng là chiếc nón thể hiện uy quyền, nay nón ngựa Phú Gia trong chiếc áo du lịch trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng. Nón ngựa Phú Gia cũng là nón lá Bình Định, là chiếc nón đã góp phần làm nên tên tuổi của một làng quê như Gò Găng, như Cát Tường hôm nay và cả sau này. Đời nón như chính đời người vậy, lúc thăng, lúc trầm nhưng bền bỉ sống, bền bỉ gieo mầm xanh hy vọng.
THU DỊU