Những bà mẹ ở làng SOS
Xuất phát từ tình yêu trẻ con và lòng trắc ẩn, 14 phụ nữ đơn thân đã chọn trở thành mẹ của những đứa trẻ bị bỏ rơi, mồ côi ở Làng trẻ em SOS Quy Nhơn. Chính họ cũng không ngờ rằng, sự lựa chọn gắn bó này đã mang lại cho mỗi người một đời sống tinh thần hạnh phúc.
Mẹ Châu Thị Xuân giữa các con trước cổng ngôi nhà số 10 - Hoa hồng.
Nghề… làm mẹ
Năm 2011, chị Lê Thị Ngọc Bích (quê xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) là 1 trong 12 người đăng ký vào làm mẹ ở Làng trẻ em SOS Quy Nhơn (gọi tắt là Làng). Trải qua 3 tháng tập huấn ở Hà Nội và đi thực tế tại một số làng SOS trong nước, nhận thấy “nghề” làm mẹ trẻ làng SOS không đơn giản chỉ cần thương trẻ, chịu khó như hình dung, mà còn cần rất nhiều kiến thức, kỹ năng; chưa nói đến việc không có chút kinh nghiệm nuôi trẻ sơ sinh nên chị Bích xin không nhận việc. Trở lại với nghề làm công nhân gỗ, đêm đêm hình ảnh những mái ấm gia đình, có mẹ có con, mẹ - con, anh chị em quấn quýt nhau từ những ngôi nhà ở làng SOS từng đi thực tế cứ ẩn hiện, sưởi ấm trái tim và đánh thức mong mỏi được làm mẹ ở chị. Trở lại Làng xin vào làm việc và toàn tâm với vai trò, mẹ Bích và 3 mẹ nữa trong số 12 người hiện còn “trụ” lại đây.
Đến năm 2013, đã quen với “nghề” làm mẹ và quen hơi những đứa con ở nhà số 12B - Hoa hướng dương, mẹ Bích có cơ may trải nghiệm, cảm nhận trọn vẹn hơn vai trò của mình. 5 giờ sáng ngày 27.3, một bé trai sơ sinh bị bỏ rơi trước Làng được giao cho mẹ Bích nuôi và được mẹ đặt tên Lê Tuấn Tú giờ đã là lớp trưởng lớp 1G, Trường Tiểu học Nhơn Bình.
Mẹ Bích cho biết, Tú bị hội chứng thận hư, tuy đã khống chế qua điều trị thuốc tây song vẫn dùng thuốc nam để hỗ trợ. Mỗi tháng 2 ngày phép về thăm nhà, ưu tiên hàng đầu của mẹ Bích là tìm thuốc mang vào cho con. “Cùng mẹ rửa, phơi thuốc cho Tú, các anh chị quý từng cọng thuốc cho em, thương lắm, còn đòi ăn nhạt theo em để mẹ đỡ nấu 2 phần vất vả. Gần 10 năm qua, ngày ngày chợ búa, nấu nướng, chăm sóc, bảo ban tụi nhỏ, thu vén cho ngôi nhà sạch đẹp, ấm cúng để chúng háo hức trở về sau mỗi giờ tan trường, đi chơi và cả nhà chia sẻ cùng nhau mọi điều chính là hạnh phúc của đời tôi”, mẹ Bích tâm sự.
Tại nhà số 12 - Hoa cẩm chướng, mẹ Đỗ Thị Tuyết Hoa (quê xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân) đang chăm sóc, nuôi dạy 8 con, trong đó có hai trai mới vô Làng từ tháng 10.2019. Vào Làng năm 2011, nằm trong số ít các mẹ đến với Làng ở buổi đầu và gắn bó đến nay, mẹ Hoa được nhận xét rất có “duyên” với con, nhất là những trẻ được gửi vào khi đã khá lớn. Như với 2 thành viên mới - Duy Khang, lớp 1 và Triều Anh, lớp 3, hòa nhập môi trường mới chưa lâu và có người thân đến thăm thường xuyên, song hai con vẫn rất quấn mẹ Hoa. “Bên cạnh tùy từng tính cách, thái độ trẻ đối với mình mà có cách tiếp cận, xây dựng mối quan hệ sao cho hiệu quả nhất, trong quá trình làm mẹ, tôi cố gắng không để trẻ coi mình là người mẹ thay thế, người thân cận duy nhất.Tôi nghĩ, tình cảm cứ để tự nhiên, mừng vì các con hiểu lòng mẹ”, mẹ Hoa quan niệm.
Mẹ Lê Thị Ngọc Bích phơi thuốc cho Tú (phải).
Hạnh phúc giản dị
Đến thăm nhà số 10 - Hoa hồng - của mẹ Châu Thị Xuân (quê xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ) và 7 con, được biết đây là nhà đạt giải nhất Cuộc thi trang trí nhà gia đình đẹp - một hoạt động mới và mang tính nội bộ do Làng tổ chức dịp Tết Nguyên đán vừa rồi. Chỉ những câu chúc tết được cắt khéo léo, dán trên tường nhà, vài hàng dây điện nháy trang trí nhà trên…, mẹ Xuân tự hào giới thiệu: Sản phẩm của Tuyên đấy, thằng bé học chưa thật giỏi nhưng tháo vát, siêng năng, luôn tìm cách giúp mẹ, đóng góp cho nhà!
Ngô Văn Tuyên (lớp 11) là 1 trong số 4 con trai của nhà đã chuyển ra sống tại nhà lưu xá thanh niên (trong khuôn viên Làng), luôn quyến luyến ngôi nhà mang tên Hoa hồng, có mẹ Xuân cùng 10 anh chị em khác từng sớm hôm quây quần. Thế nên, mỗi khi nhà có việc là Tuyên xông xáo hỗ trợ. Khi người viết xin chụp một bức ảnh cả nhà, một giọng con trai nói lớn: Cô chờ con vài phút. Chỉ khách thắc mắc, còn mẹ con họ thì nhìn nhau cười, thì ra thành viên đó đi gọi 4 anh ở nhà lưu xá, để ảnh gia đình đông đủ. “Hiện giờ số con của nhà là 7, 4 đứa trai lớn đã ra lưu xá mấy năm nay, nhưng từ mẹ đến con, khi ai đó hỏi nhà số 10 có mấy con, chúng tôi lại quen nói có 11 đứa. Trong số 14 nhà của Làng, nhà số 10 đặc biệt nhất vì có tới 4 cặp là anh em ruột, có lẽ vì vậy mà chúng càng yêu thương nhau”, mẹ Xuân cho hay.
Những đứa trẻ thuộc lứa lớn nhất ở Làng như Trịnh Thị Mỹ Huy (nhà số 12B), Nguyễn Thị Phương Diễm (nhà số 12) đều là sinh viên năm 3, Trường ĐH Quy Nhơn… không chọn ra ở trọ hay vào ký túc xá cho tự do mà tiếp tục ở cùng mẹ và các em tại Làng. Mẹ Bích, mẹ Hoa cho biết, những chị cả sinh viên này rất đắc lực giúp mẹ quán xuyến nhà cửa, nhất là chỉ bảo, truyền cảm hứng cho các em trong học hành.
Gặp những người mẹ và những đứa con ở làng SOS, tôi càng hiểu thêm về tấm lòng, sự lựa chọn làm mẹ và niềm hạnh phúc đời thường giản dị, ngọt ngào mà các chị có được. Và, càng hiểu vì sao, trong nỗi vất vả làm mẹ cả đàn con trên dưới mười đứa ở tuổi trên dưới 50, các mẹ vẫn tràn đầy nhiệt huyết với công việc.
SAO LY