Ðẩy nhanh tiến độ xây dựng chính quyền điện tử
Gửi, nhận văn bản điện tử; xử lý văn bản trên môi trường điện tử; triển khai Cổng Dịch vụ công quốc gia… nhiều phần việc đang được khẩn trương thực hiện để đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính quyền điện tử.
Đó là vấn đề quan trọng được đặt ra tại Hội nghị trực tuyến về quán triệt Nghị định số 09/2019/NĐ-CP (Quy định chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước), Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg (Về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước), Quyết định số 274/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Phê duyệt Đề án Cổng dịch vụ công quốc gia) và hướng dẫn triển khai Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, do Văn phòng Chính phủ tổ chức ngày 7.2.
Nhiều điểm sáng
Đối với việc ứng dụng ký số văn bản điện tử theo Quyết định 28/2018/QĐ-TTg, Văn phòng UBND tỉnh đã phối hợp với Sở TT&TT, Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin (Ban Cơ yếu Chính phủ) và đơn vị phát triển phần mềm tiến hành nâng cấp các chức năng phần mềm Văn phòng điện tử. Trong đó, tích hợp chữ ký số cá nhân lên phiên bản 2.0, ứng dụng SIM PKI ký số trên thiết bị di động, đảm bảo thực hiện theo quy trình gửi, nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia.
Thành viên đoàn kiểm tra cải cách hành chính của tỉnh (bên trái) kiểm tra tình hình thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử tại UBND xã Hoài Đức, huyện Hoài Nhơn.
Phó Giám đốc Sở TT&TT Võ Gia Nghĩa cho hay, năm 2019, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã thực hiện việc gửi, nhận 243.124 văn bản điện tử thông qua Trục liên thông văn bản của tỉnh. Trong đó, UBND tỉnh đã tiếp nhận 23.135 văn bản và ban hành 11.461 văn bản điện tử đến các cơ quan, đơn vị ở địa phương và Trung ương.
Đáng chú ý, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị công bố chữ ký số cá nhân chuyên dùng của lãnh đạo UBND tỉnh kể từ ngày 4.10.2019 - là 1 trong 12 tỉnh, thành phố đầu tiên trong cả nước áp dụng ký số cá nhân của lãnh đạo UBND tỉnh để ký văn bản điện tử, giải quyết hồ sơ công việc. Từ ngày 1.1.2020 đến nay, UBND tỉnh đã ký số 100% văn bản được gửi đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương để giải quyết công việc (với 178 văn bản điện tử).
Bình Định cũng sớm kết nối thành công Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia vào ngày 5.12.2019. Đồng thời, tích hợp việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên Cổng dịch vụ công quốc gia đối với 2 TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là “Cấp lại giấy phép lái xe” (thuộc Sở GTVT) và “Thông báo hoạt động khuyến mãi” (thuộc Sở Công Thương) theo đúng yêu cầu của Văn phòng Chính phủ.
Tính đến ngày 5.2, có gần 41.600 tài khoản đăng ký trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; hơn 12,7 triệu lượt truy cập; hơn 664 nghìn hồ sơ đồng bộ trạng thái. Bình Định nằm trong nhóm địa phương có lượng hồ sơ đồng bộ ở mức cao, với 2.506 hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ sai mã TTHC chỉ 3%. Trong khi đó, có 2 tỉnh chưa thực hiện; 14 tỉnh, thành có lượng hồ sơ đồng bộ thấp (dưới 100 hồ sơ), hoặc có tỷ lệ hồ sơ sai mã TTHC lớn (trên 30%), trong đó có cả TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Đẩy nhanh tiến độ
Bên cạnh những kết quả tích cực, tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương cũng chỉ ra nhiều hạn chế cần khắc phục. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa nhận thức rõ về hiệu quả của việc sử dụng văn bản điện tử có ký số, chưa thay đổi thói quen sử dụng văn bản điện tử thay cho văn bản giấy.
Với Bình Định, theo Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nguyễn Thái Bình, hiện nay còn một số cơ quan, đơn vị thực hiện chưa đúng quy trình phát hành văn bản điện tử. Trong đó có tình trạng bộ phận văn thư trình lãnh đạo đơn vị ký số văn bản điện tử đã được lấy số trước là không đảm bảo quy định.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phê phán gay gắt việc lấy số văn bản trước, đồng thời khẳng định ký số văn bản điện tử là giải pháp chủ yếu để chấm dứt việc này. Cũng theo Bộ trưởng, lượng văn bản điện tử gửi, nhận từ các bộ về Văn phòng Chính phủ và ngược lại còn ở mức độ khác nhau. Có nơi làm tốt, đã gửi tới cấp huyện, nhưng có địa phương vẫn còn văn bản giấy; ngay văn bản từ bộ tới Văn phòng Chính phủ có khi mất 2 - 3 ngày.
Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chỉnh phủ điện tử, chính quyền điện tử, đối với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, đầu tháng 3.2020 sẽ sơ kết 3 tháng triển khai hệ thống này. Ngoài 8 dịch vụ công đã được tích hợp, sẽ tiếp tục đưa các dịch vụ công mức độ 3, 4 tích hợp lên Cổng để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN thực hiện TTHC. Dự kiến, tháng 3.2020, Trung tâm báo cáo quốc gia - một trung tâm rất quan trọng, sẽ được khai trương.
“Trong năm 2020 các bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện một số mục tiêu cụ thể. Đến tháng 6 hoàn thành liên thông, kết nối các phần mềm quản lý văn bản và điều hành các cấp. Đến hết năm, 80% các vụ, cục và tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường mạng; tỷ lệ này là 60% đối với các sở, ngành và tương đương thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 30% đối với các phòng, ban và tương đương thuộc UBND cấp huyện”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
NGUYỄN VĂN TRANG