Xử lý vi phạm Luật Nghĩa vụ quân sự: Những vướng mắc cần tháo gỡ
Những ngày đầu năm mới Canh Tý 2020, các địa phương đang tập trung cho công tác động viên, chuẩn bị đưa thanh niên lên đường nhập ngũ. Nhìn lại thực tế công tác gọi thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự thời gian qua cho thấy vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Từ thực tế phường Nhơn Hòa
Nhiều năm qua, phường Nhơn Hòa, TX An Nhơn, là một trong những địa phương luôn hoàn thành chỉ tiêu giao quân hàng năm. Tuy nhiên, tình trạng thanh niên trong diện thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự (NVQS) không chấp hành lệnh gọi đăng ký lần đầu và khám sức khỏe có xu hướng gia tăng... Các trường hợp vi phạm Luật, phường đều tiến hành xử phạt hành chính theo quy định; lập hồ sơ các trường hợp tái vi phạm đề nghị xử lý hình sự. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc xử lý theo quy định của pháp luật chưa đủ sức răn đe, còn gây khó khăn, bế tắc cho cơ sở.
Việc xử lý thanh niên trong diện thực hiện Luật NVQS không chấp hành lệnh gọi đăng ký lần đầu và khám sức khỏe ở cơ sở còn khó khăn, vướng mắc.
- Trong ảnh: Khám sức khỏe NVQS tại huyện Phù Cát.
Cụ thể, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ tối đa chỉ 2,5 triệu đồng, chênh lệch mức phạt giữa các khung là 500 nghìn đồng; trong đó, mức phạt tối đa đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe cũng chỉ 1,2 triệu đồng, chênh lệch giữa các khung chỉ 200 nghìn đồng. Do đó, có trường hợp không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe 3 năm liên tục nhưng chỉ bị phạt tổng cộng 3,4 triệu đồng (không có tình tiết tăng nặng). Có trường hợp, người vi phạm đã cố tình “lách luật” bằng cách chỉ vi phạm “không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe” để mức phạt thấp hơn. Hoặc trốn theo kiểu cách năm; nếu năm trước bị xử phạt về hành vi “không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ” thì năm sau vi phạm với hành vi “không chấp hành lệnh khám sức khỏe” (sẽ không bị xử lý hình sự và mức phạt thấp hơn). Vì vậy trên thực tế, nhiều thanh niên, nhất là những người có việc làm, thu nhập cao, sẵn sàng nộp phạt để trốn NVQS.
Về xử lý thanh niên trốn lệnh nhập ngũ theo quy định của Luật Cư trú cũng gặp khó khăn, vướng mắc. Tại Điều 32 Luật Cư trú năm 2006 (Luật Cư trú sửa đổi 2013) về khai báo tạm vắng, quy định: “Người trong độ tuổi làm NVQS, dự bị động viên đi khỏi huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi mình cư trú từ ba tháng trở lên có trách nhiệm khai báo tạm vắng”. Vì vậy, trường hợp thanh niên trốn lệnh nhập ngũ, tiến hành kiểm tra lưu trú, cũng chỉ lập hồ sơ, thủ tục, không xử phạt được.
Quy định về xử lý hình sự đối với các trường hợp không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe mang tính chất tái phạm thiếu tính thống nhất giữa Bộ luật Hình sự 2015 và Luật NVQS 2015, dẫn đến ách tắc, không xử lý được. Cụ thể, Khoản 1 Điều 332 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký NVQS, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”. Như vậy, hành vi không chấp hành lệnh khám sức khỏe chưa được quy định trong Bộ luật Hình sự 2015. Trong khi đó, tại Khoản 8 Điều 3 Luật NVQS năm 2015 quy định: “Trốn tránh thực hiện NVQS là hành vi không chấp hành lệnh gọi đăng ký NVQS; lệnh gọi khám sức khỏe NVQS; lệnh gọi nhập ngũ; lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập…”.
Cần tháo gỡ vướng mắc
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực thi pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm pháp luật NVQS, với góc nhìn từ cơ sở, chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng có văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật theo Điều 332 Bộ luật Hình sự, Điều 3 Luật NVQS về tội trốn tránh thực hiện NVQS, làm cơ sở cho việc xử lý đúng pháp luật, để cho pháp luật đủ tính giáo dục, răn đe, phòng, chống vi phạm pháp luật. Về lâu dài, cần nghiên cứu sớm sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật sau:
Một là, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 9.10.2013 của Chính phủ theo hướng nâng mức phạt tiền, tăng khoảng cách giữa các mức phạt đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe để bảo đảm tính răn đe. Hai là, bổ sung quy định của Luật Cư trú về xử phạt đối với thanh niên trốn, không có mặt tại địa phương trong thời điểm có lệnh gọi nhập ngũ. Ba là, sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 332 Bộ luật Hình sự theo hướng liệt kê thêm hành vi không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe.
Lê Vũ Vân Kiều