VHNT 15 năm thực hiện NQ TƯ 5 (Khóa VIII): Tiền không làm nên tác phẩm!
Trong 2 ngày 27 và 28.11 tại TP.HCM, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức Hội thảo khoa học: VHNT 15 năm thực hiện NQ Trung ương 5 (khóa VIII) “Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm VHNT có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao - Thực trạng và giải pháp”.
Hội thảo đã thu hút hơn 200 đại biểu là các lãnh đạo cơ quan, ban ngành từ Trung ương đến địa phương, các nhà khoa học, quản lý văn học, nghệ thuật, các văn nghệ sĩ… đến tham dự.
Theo tinh thần NQ Trung ương 5 (khóa VIII) đến NQ 23 của Bộ Chính trị về phát triển VHNT đã đề cập rất rõ về việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó VHNT là một bộ phận rất quan trọng của văn hóa, góp phần xây dựng và hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam trong thời kì đẩy mạnh CNH-HĐH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chính vì vậy, hội thảo lần này rất nhiều các vấn đề về thực trạng, đặc biệt, các đại biểu đã đi sâu vào những giải pháp, nguyên nhân chính khiến 15 năm qua, VHNT thiếu vắng hoặc rất ít những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao.
Thừa sách mà thiếu tác phẩm hay…
Trước thực trạng nền VHNT đang thừa sách mà thiếu tác phẩm hay, thừa sự làng nhàng nông cạn mà thiếu chiều sâu chưng cất, chọn lọc, thừa sự dễ dãi mà thiếu sự công phu, nghiền ngẫm, thừa giá trị ảo mà thiếu đi những đỉnh cao. Những nhận định trên đây của TS Lê Thành Nghị cho thấy phần nào nói trúng bức tranh thực trạng của nền VHNT 15 năm qua.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã đề cập đến một trong những vấn đề cấp bách của VHNT hiện nay là làm sao văn nghệ sĩ phải có những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật. Ông cho rằng, “Sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị lâu dài là việc làm trung tâm và cấp bách số một đối với mỗi nghệ sĩ. Phấn đấu để có những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật là giấc mơ của mọi văn nghệ sĩ. Đó là sự kết tinh đẹp đẽ của tài năng và tâm huyết. Làm nghệ sĩ mà không ước mơ đạt được những đỉnh cao sáng tạo, thì chưa phải là nghệ sĩ đích thực. Cần phải nuôi khát vọng lớn...
Trước những vấn đề đạo đức, lối sống có chiều hướng xuống cấp như hiện nay, chúng ta hoan nghênh mọi tác phẩm mang tính chất phản biện xã hội sâu sắc, đi sâu mổ xẻ, phân tích, lên án đến tận cùng ngõ ngách mọi hành trạng và nguyên nhân của cái xấu, cái ác. Phê phán một cách thuyết phục. Không bao giờ để mất niềm tin yêu con người. Trong nhân vật phản diện, dù còn chút hoàn lương thì cũng phải nhen nhóm cho nó, tiếp dưỡng khí cho nó, thổi niềm tin vào cho nó. Làm được như vậy, một cách có nghệ thuật thì nhất định tác phẩm sẽ được công chúng tiếp nhận”.
Nhiều ý kiến cho rằng, VHNT suốt 15 năm qua chưa có được những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, nguyên nhân xuất phát từ nhiều thứ.
PGS.TS Phạm Duy Đức cho rằng, “Qúa trình mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế trên lĩnh vực văn hóa, VHNT đang tạo điều kiện cho nhiều trào lưu, xu hướng, tư tưởng mới được du nhập vào Việt Nam. Sự sao chép, lai căng, bắt chước một cách xô bồ và hỗn tạp các trào lưu tư tưởng phản thẩm mỹ, phản nghệ thuật từ bên ngoài vào phải được cảnh báo và khắc phục để giữ gìn môi trường văn hóa thẩm mỹ lành mạnh của xã hội. Cần nhấn mạnh là trong quá trình chuyển đổi của đất nước, sự quan tâm giáo dục đạo đức nghề nghiệp trong hệ thống giáo dục của chúng ta buông lỏng, coi nhẹ một cách hời hợt. Vì vậy, chất lượng đạo đức nghề nghiệp của văn nghệ sĩ nói chung suy thoái, dẫn tới sự xuống cấp của các sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật. Trong khi chờ đợi những tác phẩm đỉnh cao, chúng ta không nên thả nổi những tác phẩm phản thẩm mỹ, bạo lực, gieo rắc tâm lí bi quan…”.
Nhà viết kịch Lê Quý Hiền thẳng thắn nhìn nhận, “Tác phẩm sân khấu cũng là một loại hàng hóa nhưng là hàng hóa đặc biệt với giá trị tinh thần khó đong đếm. Nhưng cơ chế thị trường lại rất rành rẽ trong việc đong đếm cụ thể cái lợi, mình được gì, mất gì. Thế là sân khấu với những vở ma quỷ, hài… ra đời. Một nền sân khấu chỉ có những vở diễn với tiêu chí giải trí, câu khách là một nền sân khấu thực dụng, lệch lạc, làm sao có thể có những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao”.
Nhà văn Chu Lai nêu thực trạng, “Tâm thế sáng tạo là rất quan trọng. Nếu tâm thế, khát vọng làm nghề, sống tận cùng với nghề, với cuộc đời, thở hơi thở của nhân dân cần lao, dám dũng cảm vượt lên cái bóng của mình thì có thể hi vọng có được những trang viết, bộ phim, vở kịch mang giá trị thẩm mỹ và giàu sức truyền cảm. Hiện nay, các văn nghệ sĩ đang chìm nổi trước các loại hình thông tin truyền hình, báo mạng, facebook… khiến cho văn hóa đọc bị chìm, đến ngay cả nhà văn, sách ra cũng không đọc…”.
Đồng quan điểm này, nhà văn Nguyễn Huy Thông cho rằng, “Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ít có tác phẩm có giá trị cao, chính là ở vai trò sáng tạo của văn nghệ sĩ. Có một thực tế là không ít tác giả còn lơ là, chưa bám sát được những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn, chưa xông xáo, tìm tòi khám phá những số phận, những mảnh đời của nhân vật, xây dựng những hình tượng nhân vật độc đáo, hấp dẫn”.
Đề cập đến một thực tế hiện nay có nhiều bộ phim mang nhãn hiệu Việt nhưng nhạt nhẽo, tầm thường, vô thưởng vô phạt, tốn tiền tốn sức một cách vô bổ, khán giả chả ai cần quan tâm. Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát chỉ ra: “Việc sao nhãng các đề tài đương đại, không dành cho nó sự quan tâm thích đáng, khó phần tạo được tác phẩm hay. Không quan tâm đầu tư khuyến khích các tác phẩm bám sát hiện thực cuộc sống, dự báo, cảnh tỉnh… Phim chỉ nặng về ngợi ca, thiếu hẳn sự phản biện cần có. Người nghệ sĩ lớn bao giờ cũng có trái tim lớn, tình yêu lớn, nỗi đau nhân tình thế thái lớn. Nếu tác phẩm của anh không mang hơi thở của thời đại mà anh sống nó sẽ bị lãng quên”.
Một trong những vấn đề không mới nhưng cần thiết, đó là sự thiếu và yếu đội ngũ lí luận phê bình VHNT. “Mảng LLPB thời gian qua còn nhiều bất cập, chưa làm tốt việc thẩm định tác phẩm và hướng dẫn, định hướng dư luận xã hội. Phê bình chung chung, mưa phùn gió nhẹ, né tránh, ngại đụng chạm, khen chê tùy tiện…”, nhà văn Nguyễn Huy Thông bày tỏ.
Cần nhất vẫn là chủ thể sáng tạo
Nêu nhiều nguyên nhân của việc thiếu vắng những tác phẩm có giá trị trong thời gian qua như lí luận phê bình, quản lý nhà nước, cơ chế thị trường, tác động giao lưu hội nhập văn hóa… thì phần đông các đại biểu đều quan tâm và nhấn mạnh đến yếu tố chủ thể sáng tạo là các văn nghệ sĩ. Bởi đây chính là lực lượng cốt yếu, sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị và nghệ thuật.
GS.TS Nguyễn Hồng Vinh cho rằng: “Đúng là tiền bạc không đùa với khách thơ nhưng tiền bạc không làm nên tác phẩm. Nhìn lại thời kì chiến tranh gian khổ, thiếu thốn đủ đường nhưng lại xuất hiện nhiều tác phẩm có giá trị rất cao. Chính chủ thể sáng tạo là nguyên nhân chủ yếu trong việc tạo ra những tác phẩm có giá trị cao. Nhiều ý kiến chỉ ra, tác giả, tác phẩm, biểu hiện rõ sự non yếu trong nhận thức thời cuộc, thiếu sự nghiêm túc tự học hỏi để nâng cao vốn tri thức, chưa dấn thân khám phá thực tiễn… Trước những vấn đề bức xúc về đạo đức xã hội xuống cấp, niềm tin bị rạn nứt… thì Đảng, Nhà nước vẫn rất mong muốn có những tác phẩm VHNT vừa dũng cảm phân tích, mổ xẻ hiện thực ấy, vừa thông qua tác phẩm thắp sáng niềm tin con người… Đây chính là trách nhiệm vẻ vang của văn nghệ sĩ”.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, ông Vương Duy Biên - Thứ trưởng Bộ VHTTDL cho rằng: “Môi trường cộng tài năng sẽ thành tác phẩm. Người nghệ sĩ không được bằng lòng với mình, phải lăn xả, hết mình. Hiện nay, nhiều tác phẩm của nghệ sĩ không còn trong sáng như thời xưa. Sáng tạo cũng rất cần có bản lĩnh. Giao lưu, hội nhập luôn có cái tốt, cái chưa tốt. Người sáng tạo phải thể hiện bản lĩnh, danh dự của mình. Bộ VHTTDL cũng rất mong muốn phối hợp Hội đồng Lý luận VHNT, Ban Tuyên giáo TƯ… đóng góp để sớm có cơ chế, đào tạo, phát triển, bồi dưỡng kịp thời tài năng của các văn nghệ sĩ…”.
. Theo Hà Trần (Văn hóa online)