Chủ động bảo vệ lúa vụ Ðông Xuân
Vụ Ðông Xuân 2019 - 2020, toàn tỉnh gieo sạ 48.036 ha lúa, đạt 99,7% kế hoạch. Tuy nhiên, hiện tại một số địa phương trong tỉnh đã xảy ra tình trạng sâu bệnh gây hại lúa, cộng với thời tiết khô hạn kéo dài khiến nhiều diện tích lúa có nguy cơ mất trắng. Ngành Nông nghiệp tỉnh đã và đang phối hợp các địa phương hướng dẫn bà con nông dân thực hiện các biện pháp bảo vệ lúa vụ Ðông Xuân.
Phòng trừ sâu bệnh
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), trong tổng diện tích hơn 48.000ha lúa vụ Đông Xuân, đến nay có hơn 10.000 ha chân 3 vụ đang ở giai đoạn làm đòng; hơn 36.000ha chân 2 vụ trong giai đoạn đẻ nhánh, đứng cái; hơn 1.700 ha lúa trên chân cao sạ cưỡng đang trong giai đoạn làm đòng, trổ nhánh. Song, tại các địa phương, như: Tây Sơn, Phù Cát, Hoài Nhơn, TX An Nhơn… xảy ra tình trạng chuột gây hại lúa với tỷ lệ hại phổ biến 1 - 2%, cá biệt một số nơi lên tới 5 - 10%; bệnh đạo ôn lá, sâu cuốn lá, bọ trĩ phát sinh trên lúa chân 3 vụ và chân cao sạ cưỡng gây hại cục bộ trên các trà lúa sớm trong giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng.
Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật kiểm tra đồng ruộng, hướng dẫn nông dân huyện Tây Sơn phòng trừ sâu bệnh gây hại lúa. Ảnh tư liệu
Ông Nguyễn Tấn Phát, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cho biết: “Chi cục đã phối hợp Phòng Kinh tế, Phòng NN&PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn nông dân tập trung các biện pháp bảo vệ cây trồng, phòng trừ sâu bệnh gây hại lúa, không để sâu bệnh phát sinh, lây lan trên diện rộng. Đồng thời phân công cán bộ kỹ thuật về các địa phương để nắm chắc tình hình, khoanh vùng sâu bệnh, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ, khống chế kịp thời, nhất là tình trạng bệnh đạo ôn, rầy nâu nhằm hạn chế thiệt hại cho lúa vụ Đông Xuân”.
Nhờ được hướng dẫn kịp thời, nông dân trong tỉnh đã triển khai các giải pháp để phòng trừ sâu bệnh gây hại lúa, hạn chế thiệt hại. Ông Nguyễn Thanh Hùng, nông dân ở thôn Kim Xuyên, xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước), người đang làm 6 sào ruộng, bộc bạch: “Năm nay tình hình chuột gây hại lúa xảy ra nhưng mức độ thiệt hại ít hơn năm ngoái. Bệnh đạo ôn cũng đã xuất hiện trong giai đoạn lúa đang trổ nên tôi dùng các loại thuốc phun trừ phòng ngừa sâu bệnh để bảo vệ lúa”.
Nông dân phường Bình Định (TX An Nhơn) phun thuốc phòng trừ sâu bệnh gây hại lúa Đông Xuân. Ảnh tư liệu
Vụ Đông Xuân 2019 - 2020, TX An Nhơn gieo sạ trên tổng diện tích hơn 6.900 ha lúa. Hiện có khoảng 10 ha lúa tại các phường, xã: Đập Đá, Bình Định, Nhơn Hậu, Nhơn An bị chuột cắn phá gây hại tỷ lệ 3%; khoảng 3 ha lúa xuất hiện bệnh đạo ôn gây hại tỷ lệ 3 - 5% rải rác tại các địa phương. Ông Đoàn Tuấn Sỹ, Phó Trưởng phòng Kinh tế TX An Nhơn, cho biết: “Phòng phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã, chính quyền các xã, phường kiểm tra, theo dõi và hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp diệt chuột, phòng trừ bệnh đạo ôn. Theo nhận định, rầy nâu sẽ nở trong thời điểm từ ngày 10 - 20.2, nên chúng tôi tích cực phối hợp với các địa phương để hướng dẫn bà con nông dân thực hiện các biện pháp phòng trừ”.
Chủ động chống hạn
Tình trạng nắng nóng kéo dài đã khiến một số diện tích lúa trong tỉnh khô hạn do thiếu nước tưới, chẳng hạn tại xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn - nơi sử dụng nguồn nước tưới duy nhất từ suối Cát ở hạ lưu Nhà máy thủy điện An Khê - Ka Nak (Công ty Thủy điện An Khê - Ka Nak - thuộc Tổng Công ty Phát điện 2) từ đầu năm đến nay không có nước bổ sung, khiến 226 ha lúa và hoa màu lâm vào tính thế nguy hiểm.
Cán bộ Công ty Thủy điện An Khê - Ka Nak kiểm tra tình hình xả nước chống hạn tại xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn) . Ảnh tư liệu
Ông Hồ Văn Khanh, Phó Chủ tịch UBND xã Tây Thuận, cho hay: “Vụ Đông Xuân 2019 - 2020, toàn xã gieo sạ trên tổng diện tích gần 270 ha lúa; riêng diện tích 126 ha lúa tại thôn Thượng Sơn, Trung Sơn sử dụng nguồn nước tưới ở suối Cát - hạ lưu Nhà máy thủy điện An Khê - Ka Nak bị khô hạn do thiếu nước. Sau khi UBND tỉnh có văn bản đề nghị điều tiết nước thủy điện hỗ trợ chống hạn, Công ty Thủy điện An Khê - Ka Nak đã xả 3 đợt nước từ ngày 5 - 7.2 để hỗ trợ nước tưới cho nông dân. Đến nay, diện tích lúa tại hai thôn nêu trên đã tạm đủ nước”.
Theo Sở NN&PTNT, do nắng hạn kéo dài, nguy cơ vụ Hè Thu tới đây khoảng 2.000 ha canh tác sẽ thiếu nước tưới, trong đó bị thiếu nặng nhất là 2 huyện Phù Mỹ, Phù Cát. Bởi vậy, ngay từ đầu tháng 2.2020, Sở NN&PTNT cũng đã xây dựng kịch bản và đưa ra các phương án để chủ động chống hạn.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đào Văn Hùng, cho biết: “Nếu tình trạng nắng hạn kéo dài, nguy cơ thiếu nước cục bộ xảy ra thì theo phương án sẽ giảm diện tích lúa chuyển đổi qua các cây trồng cạn có thế mạnh để tiết kiệm nước tưới; rà soát lại những vùng mất nước hẳn thì vận động nông dân không sản xuất vụ Hè Thu; nếu có mưa bổ sung lượng nước các hồ chứa thì có biện pháp tích nước để chống hạn nhằm đảm bảo thắng lợi vụ Hè Thu sắp tới”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN