Nhịp sống mới trên miền đất Võ
Trở lại Bình Định trong những ngày Xuân Canh Tý, chúng tôi thực sự vui mừng khi chứng kiến tỉnh có bước tăng trưởng cao về kinh tế, trong đó nguồn vốn tín dụng chính sách giữ vai trò chủ đạo trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao đời sống nhân dân.
Gia đình ông Đinh Hồng Sâm (ngụ thôn M6, xã Bình Tân, huyện Tây Sơn) vay vốn NHCSXH nuôi bò Lai Sin, trồng điều xen canh với cây ngô, cây khoai môn, đã thoát nghèo.
Góp phần đáng kể giảm tỷ lệ hộ nghèo
Ông Đoàn Trung Thành - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đã mang tới cho chúng tôi cảm nhận về sự khởi sắc của miền đất võ. Những năm tháng qua, NHCSXH nơi đây thường xuyên coi việc tăng trưởng nguồn vốn, nâng cao hiệu quả nguồn vốn đối với chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
Đến mùa Xuân năm 2020, tổng nguồn vốn toàn đơn vị đạt 3.813 tỷ đồng, tăng 366 tỷ đồng so với cuối năm 2018, trong đó số vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương gần 132 tỷ đồng, đạt 200% kế hoạch năm.
Toàn bộ nguồn vốn tín dụng chính sách đó được NHCSXH 12 huyện, thị xã, thành phố chuyển tải kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng ở khắp thôn, làng, khu phố thuộc 159/159 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, góp phần đáng kể giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm gần 2%.
Trong năm 2019, đã có 18.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ở 11 huyện, thị xã, thành phố vay vốn chính sách thuận lợi với doanh số 949 tỷ đồng. Riêng 3 huyện nghèo nằm trong Nghị quyết 30a là Vân Canh, An Lão, Vĩnh Thanh được hưởng tới 309 tỷ từ nguồn vốn chính sách đầu tư sản xuất nông, lâm nghiệp, phát triển chăn nuôi, làm cho vùng núi cao bừng thêm sức sống mới.
Riêng tại huyện Vĩnh Thạnh, đến nay đã tiếp nhận trên 340 tỷ đồng vốn tín dụng chính sách để đầu tư chuyển đổi cơ cấu kinh tế đúng hướng, thâm canh tăng năng suất các loại giống cây trồng, vật nuôi, hàng hóa. Đồng vốn chính sách còn hỗ trợ hàng trăm gia đình đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) xóa nhà tranh tre dột nát, xây mới nhà ở vững chắc.
Nhiều hộ đồng bào dân tộc Bana nghèo ở xã Vĩnh Hảo nhờ biết sử dụng vốn vay của NHCSXH để đào kênh dẫn nước, đắp đập thủy lợi nhỏ, mua giống, phân bón, thâm canh lúa nước, ngô lai, chấm dứt cảnh thiếu ăn giáp hạt.
Những minh chứng sinh động
Còn ở xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, gia đình chị Nguyễn Thị Như (thôn Xuân Phương) nhờ đã tham gia học lớp chăn nuôi, thú y và được Hội Nông dân đứng ra tín chấp vay NHCSXH 50 triệu đồng mua bò về nuôi vỗ béo, giờ đã thoát hẳn nghèo, vươn lên làm giàu.
Hay chị Nguyễn Thị Phường (thôn Phụng Sơn) đã sử dụng đồng vốn chính sách kết hợp với đưa tiến bộ kỹ thuật vào trồng rau sạch tại khu vườn 650m2, thu nhập về không dưới 5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, chị còn làm lúa cao sản, nuôi gà, lợn để đến xuân này trả lại sổ hộ nghèo và xây nhà ở 2 tầng khang trang.
Điển hình hơn là chị Hồ Thị Mỹ Yến ở xóm Cồn Chim vốn nghèo khó, quanh năm đi làm thuê nuôi con ăn học. Cách đây 3 năm, chị Yến được vay 50 triệu đồng vốn tín dụng chính sách đầu tư nuôi cá, tôm, cua trên 1,8 ha đầm nước lợ, thu lời 60-70 triệu đồng mỗi năm.
Đến mùa xuân này, gia đình chị tiếp tục được NHCSXH cho vay 100 triệu đồng theo quy định mới về nâng mức vay đối với hộ mới thoát nghèo tạo điều kiện cho chị Yến mở rộng cơ sở nuôi trồng thủy sản, vươn lên làm giàu chính đáng.
Nỗ lực của các gia đình như trên đã góp phần tạo nên phong trào xóa nghèo, làm giàu sôi nổi ở xã Phước Sơn. Báo cáo của Tỉnh ủy gần đây đã đánh giá tín dụng chính sách thực sự trở thành công cụ đắc lực góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh - quốc phòng và phát triển kinh tế trên địa bàn.
Mùa xuân Canh Tý về Bình Định, chúng tôi thấu hiểu hơn cùng với việc triển khai các chương trình, dự án khác, nguồn vốn tín dụng chính sách như thổi một luồng gió mới đến khắp miền đất võ, giúp hộ nghèo và đồng bào DTTS chủ động vươn lên phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo.
Theo Đông Dư (PLVN)