Tạm dừng các hoạt động lễ hội để phòng, chống dịch nCoV: Giảm hội, lễ gọn gàng, trang nghiêm
Trước diễn biến phức tạp của dịch nCoV, Sở VH&TT có công văn đề nghị các huyện, thị xã, thành phố tạm dừng các hoạt động lễ hội. Dù không thực hiện phần hội nhưng những nội dung quan trọng của phần lễ của một số lễ hội truyền thống trong tỉnh vẫn được cử hành gọn gàng, trang nghiêm, đảm bảo sự chân thành, tín ngưỡng và ý nghĩa tốt đẹp.
Mùa xuân, Bình Định có nhiều lễ hội đặc sắc thu hút nhiều người tham gia như: Lễ hội Vía Bà (ngày 17 tháng Giêng, ở xã Nhơn Phong, TX An Nhơn), Lễ hội chùa Ông Núi (ngày 24 và 25 tháng Giêng, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát), Lễ hội Đô thị Nước Mặn (ngày cuối tháng Giêng, ngày 1 và ngày 2.2 âm lịch, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước)…
Lễ cúng Vía Bà Nhơn Phong vào trưa ngày 17 tháng Giêng diễn ra giản dị, thành kính.
Trưa 10.2 (tức ngày 17 tháng Giêng), tại Miếu Bà (xã Nhơn Phong), tuân thủ yêu cầu ngừng tổ chức lễ hội và theo hướng dẫn của chính quyền, người dân tổ chức lễ cúng Vía Bà thay cho Lễ hội Vía Bà như mọi năm. Trước cổng Miếu Bà có dán thông báo để người dân và du khách được rõ. Lễ cúng do Ban quản lý di tích, một số người tham gia các nghi thức và vài người lớn tuổi sống cạnh Miếu Bà cùng cử hành.
Một số người dân, du khách, dù nuối tiếc khi không có phần hội, nhưng cũng thuận lòng. Ông Đặng Văn Thi, Trưởng Ban di tích Miếu Bà, cho biết thêm: Để lễ cúng diễn ra an toàn, đảm bảo vệ sinh, các khâu nấu nướng đều được chú trọng nhiều hơn mọi khi.
Đúng 11 giờ, lễ cúng bắt đầu, với nghi thức lục cúng, thành kính và trang nghiêm, tưởng nhớ công đức bà Đỗ Thị Tân, một bà mụ (người làm nghề đỡ đẻ) không quản ngại khó khăn giúp đỡ cho dân làng.
Năm nay, ở di tích Chùa Bà, nơi diễn ra Lễ hội Đô thị Nước Mặn, có nhiều công trình được xây mới. Theo đó, có thêm 2 luống hoa dẫn lối vào chùa, bên cạnh là con kênh nhỏ và những chiếc cầu xinh, nhà ăn mới cũng đã hoàn thành, Đền Quan Thánh đã xây dựng xong, đây là nơi diễn ra lễ cung thỉnh. Du khách nhiều lần đến đây sẽ không khỏi phấn khởi trước sự thay đổi. Năm nay, lễ cúng Bà sẽ được tổ chức vào ngày chính lễ (ngày 2.2 âm lịch). Dù chưa đến ngày này nhưng từ Tết Nguyên đán, du khách nhiều nơi đã viếng chùa, cầu bình an. Do vậy, việc an toàn vệ sinh phòng dịch ở các hàng quán cũng được chú trọng. Chị Lê Thị Thanh Thủy, chủ một quán nước trong khuôn viên Chùa Bà, cho biết: “Tôi sống gần chùa, được hưởng lộc bà. Biết thông tin dịch bệnh, tôi cũng cẩn trọng hơn để du khách yên tâm và không mất tiếng của Chùa Bà cũng như ảnh hưởng đến địa phương mình”.
Lễ giỗ Hòa thượng Thích Viên Minh vào 24 tháng Giêng sẽ diễn ra đơn giản, tránh tập trung đông người.
Lễ hội Chùa Ông Núi là một trong những lễ hội thu hút du khách đông nhất tỉnh. Năm nay, tạm dừng tổ chức lễ hội, huyện Phù Cát đã chủ động phối hợp nhà chùa lên kế hoạch tổ chức lễ giỗ Hòa thượng Thích Viên Minh vào 24 tháng Giêng, trong đó chú trọng công tác an toàn, vệ sinh phòng, chống dịch bệnh. Ông Phạm Đức Vinh, Trưởng Phòng VH&TT huyện Phù Cát, cho biết: “Phòng đã làm việc với Ban trụ trì chùa Linh Phong, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện và thống nhất tổ chức lễ giỗ đơn giản, tránh tập trung đông người. Chúng tôi sẽ có những buổi làm việc tiếp theo để phối hợp cụ thể, hiệu quả hơn. Phần thụ lộc của chùa cũng đơn giản và số lượng giảm hơn mọi năm. Bên cạnh đó, ngành Y tế phối hợp hỗ trợ về khẩu trang y tế, nước rửa tay để đảm bảo vệ sinh phòng dịch”.
THẢO KHUY