Xây dựng chính phủ điện tử gắn với đổi mới, tinh gọn bộ máy
(BĐ) - Ngày 12.2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử (CPĐT) với Ban Chỉ đạo Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử các bộ, ngành, địa phương. Điểm cầu tại Bình Định do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long chủ trì (ảnh).
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, xây dựng CPĐT phải đi liền với đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. CPĐT phải đi liền với cải cách hành chính, giúp giảm biên chế, tiết kiệm chi phí, “không để tình trạng ứng dụng công nghệ thông tin mà bộ máy lại phình ra, thủ tục phức tạp hơn”.
Về việc hoàn thiện thể chế, cần đi trước để tạo hành lang pháp lý cho CPĐT. Thủ tướng yêu cầu trong năm 2020 phải ban hành được các nghị định về quản lý kết nối, chia sẻ dữ liệu, về định danh và xác định xác thực điện tử, về việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, nghị định thay thế về công tác văn thư, nghị định về bảo vệ thông tin cá nhân và năm 2020, chuẩn bị các bước để tiến tới sửa luật về giao dịch điện tử và luật về lưu trữ.
Về các yếu tố nền tảng của CPĐT, Thủ tướng đặt ra 3 mục tiêu cần phấn đấu: 100% các bộ, ngành, địa phương có nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu; 100% nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh phải được kết nối vào nền tảng tích hợp dữ liệu quốc gia; 100% bộ, ngành, tỉnh, thành có trung tâm giám sát điều hành an toàn an ninh mạng.
Theo thông tin tại Hội nghị, trong năm 2019, hoạt động xây dựng CPĐT có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 tăng gấp đôi so với năm trước. Hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước; Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ; Cổng Dịch vụ công quốc gia được khai trương, đi vào hoạt động đã phát huy hiệu quả bước đầu. Công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng được cải thiện. Đã có 9/22 bộ, cơ quan và 63/63 tỉnh, thành phố kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Lần đầu tiên thực hiện liên thông thủ tục cấp giấy khai sinh ở cấp xã và thẻ BHYT cấp huyện.
Tại Bình Định, Sở TT&TT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản điện tử trong cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, triển khai phần mềm quản lý văn bản đến 100% cơ quan hành chính thuộc tỉnh (bao gồm cả 100% đơn vị cấp xã), đảm bảo kết nối liên thông phục vụ cho việc gửi nhận văn bản điện tử.
NGUYỄN VĂN TRANG