“Bước nhảy” ứng dụng CNTT ở huyện miền núi
Kết quả đánh giá xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước khối huyện, thị xã, thành phố cuối năm 2019 cho thấy, 3 huyện miền núi có những bước tiến đáng kể khi An Lão xếp thứ 2, Vĩnh Thạnh thứ 4, Vân Canh thứ 7. So với năm 2018, các địa phương đều tiến từ 3 - 7 bậc.
Phần mềm một cửa ứng dụng cho phép quản lý, theo dõi tình trạng tiếp nhận, xử lý hồ sơ của người dân tại UBND xã.
- Trong ảnh: Người dân làm thủ tục tại văn phòng một cửa điện tử của UBND thị trấn Vân Canh (huyện Vân Canh), chiều 10.2.
Theo Sở TT&TT, UBND huyện và xã trên địa bàn 3 huyện miền núi đều đã được trang bị máy tính, kết nối internet; đầu tư máy quét để đáp ứng yêu cầu số hóa tài liệu, văn bản. 100% cán bộ, công chức được bố trí máy vi tính làm việc. Cùng với việc đầu tư và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, các địa phương đã chi hàng trăm triệu đồng cho đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) như phần cứng, phần mềm, thuê dịch vụ CNTT, đào tạo nhân lực…
Hai tháng trước, xã vùng cao Canh Liên (Vân Canh) có internet, tạo thuận lợi cho UBND xã triển khai ứng dụng phần mềm văn phòng điện tử, phần mềm một cửa điện tử và thực hiện ký số. Hiện, Canh Liên đã thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử. Trong khi đó, ở những xã vùng cao: An Toàn (An Lão), Vĩnh Sơn và Vĩnh Kim (Vĩnh Thạnh), việc gửi, nhận, xử lý văn bản và ký số cũng diễn ra khá suôn sẻ.
Đáng chú ý, các huyện đã nỗ lực ứng dụng phần mềm một cửa điện tử, cho phép quản lý, theo dõi tình trạng tiếp nhận, xử lý hồ sơ của người dân tại UBND cấp huyện, xã. Ông Nguyễn Thành Đô, Chánh Văn phòng HĐND& UBND huyện Vân Canh, cho biết: “Theo kế hoạch tỉnh giao, đến cuối năm 2019, huyện phải triển khai phần mềm ở ít nhất 30% số xã, thị trấn. Tuy nhiên, nhận thấy lợi ích thiết thực đối với người dân khi ứng dụng phần mềm này, huyện đã quyết định chi gần 200 triệu đồng để triển khai đồng loạt phần mềm tại 100% xã, thị trấn. Giữa tháng 11.2019, chúng tôi vận hành thử, và chính thức hoạt động phần mềm từ ngày 23.12.2019, liên thông với Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh”.
Một nỗ lực đáng ghi nhận nữa là việc các huyện tăng cường ứng dụng chữ ký số với tất cả lãnh đạo huyện cùng nhiều phòng, ban đã ký số trên sim điện thoại, giúp việc xử lý văn bản kịp thời, nhanh chóng. Tại UBND huyện An Lão, 18/18 phòng, ban trực thuộc đã ký số trên sim điện thoại và sẽ triển khai đến cấp xã trong quý I/2020.
Chia sẻ về thành công đạt được, các huyện cho rằng sự quan tâm, vào cuộc của lãnh đạo các cấp, cùng nỗ lực của từng cán bộ, công chức là yếu tố mang tính quyết định. Nguồn nhân lực lâu nay là một trở ngại lớn cũng từng bước được tháo gỡ với nhiều cách làm hiệu quả. Ông Trần Minh Nhật, chuyên viên Phòng VH&TT huyện Vĩnh Thạnh chia sẻ: “Chúng tôi chọn mỗi UBND xã, thị trấn 1 cán bộ thông thạo về máy tính làm hạt nhân về nhân lực CNTT cho địa phương. Sau đó, lập nhóm trên zalo gồm 9 người ở 9 xã, thị trấn trong huyện thường xuyên liên lạc, trao đổi, chia sẻ về chuyên môn, cách khắc phục các sự cố máy tính. Nhờ vậy, việc ứng dụng CNTT ở các địa phương diễn ra suôn sẻ, hiệu quả”.
Từ kết quả đáng phấn khởi, các huyện miền núi lên kế hoạch tiếp tục đầu tư, phát triển ứng dụng CNTT trong năm 2020 ở các cơ quan nhà nước trên địa bàn nhằm nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tạo điều kiện để người dân và DN dễ dàng tiếp cận, khai thác, sử dụng thông tin, góp phần thực hiện hiệu quả cải cách hành chính. Ông Trần Ngọc Vinh, Phó Trưởng phòng Bưu chính viễn thông và CNTT (Sở TT&TT), cho hay: Năm 2020 các huyện cần đẩy mạnh sử dụng văn phòng điện tử liên thông ở các xã, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng về lợi ích của việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Bên cạnh đó, chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ, nhất là cấp xã để sử dụng hiệu quả các phần mềm dùng chung và tăng cường sử dụng chữ ký số.
NGỌC TÚ