Bãi bỏ quy định về chứng chỉ ngoại ngữ khi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên
Thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên để đảm bảo thực hiện chế độ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện hệ thống thang bảng lương mới sau khi Chính phủ hoàn thành Đề án cải cách chính sách tiền lương (dự kiến năm 2021).
Chiều 12.2, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) đã có văn bản gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh thành về việc tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên giáo viên mầm non, phổ thông công lập năm 2020.
Giáo viên đủ tiêu chuẩn sẽ được thăng hạng chức danh nghề nghiệp
Theo đó, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục lưu ý các bộ ngành, địa phương hoàn thành việc xây dựng và ban hành kế hoạch thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập năm 2020 trước ngày 31.3. Hoàn thành việc tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập năm 2020 trước ngày 31.12.
Bộ GD-ĐT đặc biệt hướng dẫn về việc sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên với giáo viên dự thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Theo đó, cần thực hiện theo Thông tư số 20/2019/TT-BGDĐT ngày 26.11.2019 của Bộ GD-ĐT bãi bỏ quy định về kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên tại quyết định 30/2008/QĐ-BGDĐT quy định về tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo chương trình giáo dục thường xuyên.
Bộ GĐ-ĐT cũng lưu ý các địa phương về cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hiện nay đang chưa đồng đều. Theo số liệu thống kê trong toàn quốc, số lượng giáo viên trung học phổ thông hạng II đủ điều kiện, tiêu chuẩn để đăng ký dự thăng lên hạng I rất ít nên nhiều bộ ngành, địa phương không tổ chức thăng hạng cho đối tượng này, gây thiệt thòi cho đội ngũ. Vì vậy, Bộ GD-ĐT yêu cầu trong trường hợp không thể tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông từ hạng II lên hạng I, các bộ ngành, địa phương có thể phối hợp với Bộ GD-ĐT hoặc chủ động phối hợp với các bộ ngành, địa phương có tổ chức thi/xét thăng hạng nêu trên (trên cơ sở có ý kiến đồng ý, thống nhất của Bộ Nội vụ).
Để đảm bảo thực hiện chế độ, chính sách về thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện hệ thống thang bảng lương mới sau khi Chính phủ hoàn thành Đề án cải cách chính sách tiền lương (dự kiến năm 2021), Bộ GD-ĐT đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh thành tiếp tục thực hiện việc tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập năm 2020 theo thẩm quyền, đúng các quy định hiện hành và hướng dẫn của Bộ GD-ĐT về việc tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Theo PHAN THẢO (SGGP)