Thực hiện chính sách hỗ trợ nhiên liệu khai thác xa bờ:
Giúp ngư dân yên tâm bám biển
Đến nay, sau 2 năm triển khai Quyết định (QĐ) 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngành Nông nghiệp tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ nhiên liệu, giúp ngư dân yên tâm bám biển khai thác hải sản có hiệu quả, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia.
Sơ chế cá ngừ đại dương tại một cơ sở thu mua cá ngừ ở cảng cá Tam Quan (Hoài Nhơn). Ảnh: N. HÂN
Hàng ngàn tàu cá được hỗ trợ nhiên liệu
Qua 2 năm triển khai thực hiện QĐ 48, các cơ quan, đơn vị liên quan và chính quyền các địa phương đã phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân đăng ký việc hỗ trợ nhiên liệu cho tàu cá đánh bắt xa bờ. Theo số liệu của Chi cục KT-BVNLTS, trên địa bàn tỉnh hiện có 7.588 tàu cá, tổng công suất 788.520 CV, bình quân 104 CV/tàu. Trong đó, có khoảng 2.500 tàu có công suất trên 90 CV, và trong số này có 2.323 tàu cá được UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện tham gia khai thác hải sản trên các vùng biển xa theo QĐ 48. Ngành chức năng và chính quyền địa phương đã tiến hành thẩm định hồ sơ đạt yêu cầu, phê duyệt 24 đợt để hỗ trợ nhiên liệu cho tàu cá.
Riêng năm 2012, UBND tỉnh đã phê duyệt và giải ngân 10 đợt cho 4.451 hồ sơ với số tiền hỗ trợ 170 tỉ đồng, gồm hỗ trợ nhiên liệu cho 1.212 tàu cá với số tiền 150,823 tỉ đồng; hỗ trợ máy HF tầm xa có tích hợp thiết bị định vị vệ tinh cho 676 tàu cá với số tiền gần 19 tỉ đồng; hỗ trợ đóng bảo hiểm cho 119 tàu cá với số tiền gần 250 triệu đồng. Tính theo số lần hỗ trợ, năm 2012 toàn tỉnh có 158 tàu cá được hỗ trợ nhiên liệu 1 lần, 238 tàu được hỗ trợ 2 lần, 242 tàu được hỗ trợ 3 lần, 574 tàu được hỗ trợ 4 lần.
Tàu cá của ngư dân Bình Định khai thác xa bờ tập trung các nghề chủ lực như: câu cá ngừ đại dương, câu mực, mành chụp mực, vây ngày, vây ánh sáng, lưới rê… Đội tàu cá tỉnh ta thường xuyên di chuyển khai thác đánh bắt tại các ngư trường ngoài tỉnh, trong đó thường xuyên hoạt động khai thác, làm dịch vụ khai thác trên các ngư trường phía Nam thuộc các vùng biển xa như Trường Sa, Hoàng Sa, nhà giàn DK1.
Bà Mai Kim Thi, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (KT-BVNLTS) tỉnh, cho biết: “Để triển khai công tác hỗ trợ được thuận lợi, thời gian qua, Chi cục đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn trực tiếp cho các chủ tàu cá, ngư dân khai thác, đánh bắt xa bờ về QĐ 48 và Thông tư liên tịch số 11/2011 giữa các Bộ NN-PTNT - Bộ Quốc phòng - Bộ Tài chính về triển khai hỗ trợ nhiên liệu. Bên cạnh đó, Chi cục cũng đã tiến hành cấp phát hàng trăm bản đồ về các vùng biển Việt Nam, các ngư trường đánh bắt sẽ được hỗ trợ nhiên liệu để ngư dân biết. Nhờ vậy, tất cả các địa phương, chủ tàu cá đều nắm rõ các chính sách khuyến khích, hỗ trợ ngư dân và chính quyền các địa phương cũng đã hướng dẫn đầy đủ các biểu mẫu ghi chép theo quy định để giúp chủ tàu cá thực hiện thuận lợi”.
Theo đánh giá của ngành chức năng, việc triển khai QĐ 48 của Thủ tướng Chính phủ tại tỉnh ta được thực hiện khá tích cực và mang lại hiệu quả cao. Đây là kết quả của sự nỗ lực phối hợp giữa ngành Nông nghiệp tỉnh với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong việc hướng dẫn, thẩm tra để trình UBND tỉnh thẩm định ra QĐ phê duyệt hỗ trợ nhiên liệu một cách thuận lợi và hiệu quả nhất. Trong năm 2013, dự kiến toàn tỉnh sẽ có 8.006 hồ sơ của ngư dân được đề nghị hỗ trợ nhiên liệu, máy HF, bảo hiểm thân tàu với tổng kinh phí hỗ trợ 445 tỉ đồng.
Trang bị phương tiện liên lạc hiện đại cho ngư dân
Bên cạnh chính sách hỗ trợ nhiên liệu cho ngư dân, trong thời gian qua, Chi cục KT-BVNLTS đã phối hợp với Công ty MECOM tiến hành lắp đặt hoàn thành trạm bờ hệ thống máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa có tích hợp thiết bị định vị vệ tinh GPS, phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc cho các tàu cá đánh bắt xa bờ. Hệ thống thiết bị thông tin liên lạc tầm xa HF hiện đại được trang bị cho trạm bờ đặt tại Chi cục KT-BVNLTS có phần mềm và các thiết bị ngoại vi bảo đảm các dữ liệu cơ bản của tàu và dữ liệu báo cáo từ tàu cá truyền qua máy tính để lưu trữ, hoặc trích xuất ra máy in phục vụ việc xác nhận vị trí khai thác của tàu cá trên biển.
Tàu đánh bắt xa bờ được gắn thiết bị định vị vệ tinh, bảo đảm chủ động truyền, thoại thông tin nhanh, chính xác khi gặp sự cố, rủi ro cần hỗ trợ và các hoạt động khác trên biển với trạm bờ ở cự ly lớn hơn 500 hải lý. Hiện nay, tỉnh đã hỗ trợ lắp đặt máy HF tầm xa tích hợp thiết bị định vị vệ tinh cho 845 tàu cá đánh bắt xa bờ hoạt động ở các vùng biển xa. Trong đó, TP Quy Nhơn có 103 tàu được trang bị máy HF, Phù Cát có 6 tàu, Phù Mỹ 20 tàu, Hoài Nhơn 716 tàu. Ðây được coi là một trong những tiến bộ mới trong lĩnh vực hậu cần phục vụ nghề cá, bảo đảm khai thác hải sản có hiệu quả và hạn chế được những rủi ro trên biển.
Ngoài ra, ngành Nông nghiệp tỉnh đang tiếp nhận hỗ trợ 280 thiết bị công nghệ Movimar (còn được gọi là thiết bị quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh) cho 280 tổ, đội đoàn kết trên biển khai thác đánh bắt xa bờ. Đây là dự án được thực hiện bằng vốn ODA do Chính phủ Pháp tài trợ cho ngư dân 28 tỉnh, thành ven biển trong cả nước, với tổng trị giá 13,9 triệu Euro, thời gian thực hiện trong 3 năm 2011-2013. Việc trang bị công nghệ kết nối vệ tinh Movimar nhằm giúp ngành chức năng nắm bắt thông tin chính xác hoạt động của tàu cá trên biển; hỗ trợ ngư dân hoạt động khai thác biển đạt hiệu quả kinh tế cao gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Thiết bị Movimar còn giúp ngư dân tiếp nhận dự báo thời tiết nhanh, kịp thời, chính xác để tìm nơi trú ẩn an toàn khi thời tiết xấu; hỗ trợ cho các thuyền trưởng định vị chính xác ngư trường khai thác, tiết kiệm nguồn nhiên liệu.
Qua 2 năm triển khai QĐ 48 về chủ trương hỗ trợ nhiên liệu cho các tàu cá khai thác xa bờ đã mang lại hiệu quả đáng ghi nhận. Đây là đòn bẩy phát triển nghề đánh bắt xa bờ của địa phương, góp phần tăng sản lượng khai thác, nâng cao hiệu quả kinh tế biển, giải quyết việc làm cho hàng ngàn ngư dân địa phương.
NGUYỄN HÂN