Không chỉ là con số!
Trong thời gian gần đây, việc tranh luận xung quanh tỉ lệ công chức, viên chức (CCVC) “không làm được việc” trong bộ máy hành chính nhà nước là bao nhiêu lại tiếp tục nóng lên. Khi đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề chất lượng đội ngũ CCVC, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình xác định tỉ lệ này chỉ vào khoảng 1%.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội cũng như dư luận cho rằng tỉ lệ 1% công chức “không làm được việc” là điều… không tưởng. Bởi lẽ, nếu theo tỉ lệ này thì chúng ta đã có một đội ngũ CBCC quá tuyệt vời. Trong thực tế, hiện nay trong nhiều cơ quan hành chính, nhất là ở cấp xã ở nhiều nơi số CBCC chưa được đào tạo vẫn còn không ít, chưa nói đến số được đào tạo nhưng chưa đạt chuẩn hoặc làm công việc không phù hợp với chuyên môn được đào tạo. Tình trạng công việc trì trệ, chất lượng không cao, hiệu quả thấp… của các cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn là nỗi bức xúc của không ít người dân.
Theo báo Tuổi Trẻ ngày 26.11, kết quả nghiên cứu Đề tài “Văn hóa giao tiếp trong công sở hành chính” của tiến sĩ Lê Thị Trúc Anh - cán bộ giảng dạy Trường Cán bộ TP.HCM, cho biết: Đánh giá của người dân về thời gian làm việc của CBCC: rất nghiêm túc: 14%; bình thường: 47%; không nghiêm túc: 39%..., cho thấy hiện tượng “sáng cắp ô đi, tối cắp về”, coi thời gian là “của chùa” trong CBCC còn khá phổ biến. Cũng theo phân tích của tiến sĩ Lê Thị Trúc Anh, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do nhận thức về bổn phận, trách nhiệm của CBCC với tư cách là “công bộc của dân” chưa tốt, và việc tổ chức quy trình thủ tục hành chính chưa thật sự công khai, minh bạch trên tinh thần phục vụ người dân.
Dẫn ra kết quả nghiên cứu trên để thấy việc tranh luận tỉ lệ công chức “không làm được việc” là 1% hay 30% có thể “hạ hồi phân giải” bằng các nghiên cứu, phân tích khoa học hơn để có con số chuẩn xác. Điều quan tâm lớn nhất của người dân là làm thế nào để nâng cao chất lượng đội ngũ CCVC hiện nay. Những giải pháp nhằm chấn chỉnh, nâng cao chất lượng CCVC đã được Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình nêu ra trước Quốc hội như: Đổi mới công tác tuyển dụng, nhận xét, đánh giá cán bộ, công chức; không tăng biên chế; chống tình trạng chạy chức, chạy quyền... là những giải pháp đã được nhiều lần đề cập chứ không phải là giải pháp mới. Do đó, vấn đề cơ bản vẫn là tổ chức thực hiện sao cho hiệu quả, tạo sự chuyển biến rõ nét trên thực tế để góp phần nâng cao chất lượng bộ máy công quyền, xây dựng hình ảnh công chức thực sự là công bộc của nhân dân.
Theo số liệu thống kê, cả nước hiện có khoảng 2,25 triệu viên chức, công chức Nhà nước được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Điều mà người dân cần ở đội ngũ này là nâng cao trách nhiệm và đạo đức công vụ để phục vụ dân tốt hơn, qua đó nâng cao hiệu lực quản lý, hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền.
Đó cũng là điều mà cuộc sống trông đợi chứ không phải là những con số mơ hồ!
Dương Quang