Phòng chống hạn và phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi: Xây dựng ngay và thực hiện quyết liệt các phương án
(BĐ) - Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu tại Hội nghị bàn biện pháp phòng chống nguy cơ hạn hán cho cây trồng, cung cấp nước sinh hoạt cho người dân và phòng chống các loại dịch bệnh nguy hiểm trên động vật, diễn ra vào ngày 13.2.
Nguồn: BTV
Theo ngành chức năng của tỉnh, nguồn nước tại các hồ chứa trong tỉnh hiện chỉ còn 418 triệu m3, đạt hơn 70% dung tích thiết kế, bằng 80% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn nước bổ sung cho các công trình thủy lợi thời gian tới không đáng kể, trong khi lượng nước bốc hơi lớn, nên nguy cơ hạn hán xảy ra trong vụ Hè Thu là rất cao và nghiêm trọng hơn năm 2019. Có 5.855 hộ dân ở các huyện Phù Mỹ, Vân Canh, Tây Sơn chắc chắn bị thiếu nước sinh hoạt. Nếu không có giải pháp tích cực thì hàng nghìn hộ dân tại các địa phương khác cũng sẽ bị thiếu nước sinh hoạt. Về chăn nuôi, đáng lo ngại là dịch tả heo châu Phi, dịch bệnh lở mồm long móng đã tái phát tại một số địa phương và dịch cúm gia cầm có nguy cơ tái phát cao.
Nhận định khả năng hạn hán xảy ra nghiêm trọng hơn năm 2019, nguy cơ tái phát và lây lan các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm sẽ ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngay từ bây giờ, các sở, ngành của tỉnh và chính quyền các cấp phải xây dựng và thực hiện quyết liệt phương án phòng chống hạn cho cây trồng, cung cấp nước sinh hoạt và phòng chống các loại dịch bệnh nguy hiểm.
Đi vào cụ thể, lãnh đạo tỉnh giao Sở NN&PTNT cùng UBND các huyện, thị xã, thành phố xác định cụ thể diện tích sản xuất, đẩy lịch thời vụ gieo sạ sớm hơn; vùng nào chủ động được nước tưới cả vụ thì mới sử dụng sản xuất lúa, những diện tích thiếu nhiều đợt tưới thì vận động nông dân chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng cạn, đồng thời hướng dẫn nông dân tưới nước tiết kiệm.
Tại các vùng thường xuyên thiếu nước sinh hoạt, đẩy nhanh tiến độ nâng cấp, mở rộng hệ thống đường ống để dẫn nước cung cấp cho người dân, từ nay đến tháng 5 phải hoàn thành các công trình nói trên. Bên cạnh đó, tăng cường công tác phun thuốc khử độc sát trùng chuồng trại chăn nuôi, kết hợp tiêm vắc xin phòng chống dịch tả heo châu Phi, dịch lở mồm long móng, dịch cúm gia cầm. Các địa phương phải xây dựng các cơ sở giết mổ động vật tập trung, riêng huyện Tuy Phước và Vân Canh phải xóa bỏ cơ sở giết mổ gia súc nhỏ lẻ trong khu dân cư, vận động người dân đưa gia súc đến cơ sở giết mổ động vật tập trung tại phường Trần Quang Diệu (TP Quy Nhơn).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài chính và Sở KH&ĐT tham mưu UBND tỉnh cân đối ngân sách hỗ trợ các địa phương chống hạn hán và phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.
TIẾN SỸ