Chữ Nôm và vai trò của Hoàng đế Quang Trung
Sự hình thành và phát triển của chữ Nôm thể hiện rõ khát vọng độc lập dân tộc, được ra đời từ nhu cầu của đời sống Việt. Trong đó đáng kể nhất là Hoàng đế Quang Trung, vị vua duy nhất đã đưa chữ Nôm vào văn bản hành chính Nhà nước.
Trước khi tiếng Việt được các nhà truyền giáo sử dụng mẫu tự Latin ghi âm và sáng tạo ra hệ thống chữ viết mới - chữ Quốc ngữ, chúng ta cũng đã có chữ viết dùng để ghi lại tiếng nói của người Việt vào những thời kỳ trước. Đó chính là chữ Nôm. Do vậy, tiếng Việt đã từng tồn tại và trải qua hai loại chữ Quốc ngữ: Chữ “Quốc ngữ Nôm” và chữ “Quốc ngữ Latin”. Chữ Nôm chính là chữ Quốc ngữ đầu tiên của dân tộc Việt Nam.
Hoàng đế Quang Trung là người đã đưa chữ Nôm vào văn bản hành chính triều đình.
Một số nghiên cứu gần đây cho rằng chữ Nôm ra đời khoảng thế kỷ thứ X khi người Việt thoát khỏi nghìn năm Bắc thuộc với chiến thắng của Ngô Quyền vào năm 938, được hoàn chỉnh dần vào các thế kỷ sau đó. Chữ Nôm được dùng trong sáng tác văn học từ thế kỷ XIII - XV, phổ biến vào thế kỷ XVIII - XIX. Đến nửa sau thế kỷ XIX, nửa đầu thế kỷ XX, chữ Nôm và cả chữ Hán được thay bằng chữ Quốc ngữ ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự Latin. Về trước tác, đến thời nhà Trần mới có dấu tích rõ ràng, Hàn Thuyên là người có công lớn phát triển thơ Nôm thời kỳ này với việc mở đầu thể Hàn luật.
Tên gọi Quốc ngữ lần đầu tiên được chép trong Đại Việt sử ký tiền biên: “Tháng 8, niên hiệu Thiệu Bảo thứ 4 (1282) đời vua Trần Nhân Tông, thời có con cá sấu đến sông Lô. Vua ra lệnh cho Nguyễn Thuyên, là Hình bộ Thượng thư, làm văn rồi ném xuống sông, cá sấu tự bỏ đi. Qua việc này vua xem ông như Hàn Dũ, ban cho họ Hàn, Hàn Thuyên giỏi thơ phú Quốc ngữ. Thơ phú nước ta, phần nhiều dùng Quốc ngữ, thực là bắt đầu từ đây”.
Tuy nhiên, chữ Nôm chưa được các triều đại phong kiến công nhận chính thức trên phương diện Nhà nước, trừ nhà Hồ đầu thế kỷ XV (1400 - 1407), và đặc biệt là nhà Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII (1788 - 1802) đã đưa chữ Nôm vào văn bản hành chính triều đình. Thời Tây Sơn, chữ Nôm được đưa vào văn bản chính thức của Nhà nước, tại các bài hịch, thư từ, mệnh lệnh… Trong thời gian tồn tại ngắn ngủi, triều đại Tây Sơn đã để lại hai dấu ấn lớn: Đưa chữ Nôm vào khoa cử và mở rộng hệ thống trường học đến địa phương cấp xã.
Thi kinh giải âm do Viện Sùng Chính biên dịch năm 1792.
Sau chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789), Hoàng đế Quang Trung gạt bỏ tư tưởng độc tôn chữ Hán trong giáo dục và khoa cử của các triều đại phong kiến trước. Cũng năm 1789, Quang Trung cho mở khoa thi Hương đầu tiên tại Nghệ An. Nguyễn Thiếp được cử làm Đề điệu trường thi kiêm Chánh chủ khảo. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, chữ Nôm chính thức hiện diện trong khoa cử; trong các kỳ thi, đề thi được ra bằng chữ Nôm và đến kỳ tam trường, thí sinh phải làm thơ phú bằng chữ Nôm.
Để tăng cường phổ biến chữ Nôm, cuối năm 1791, Hoàng đế Quang Trung cho lập Viện Sùng chính do Nguyễn Thiếp làm viện trưởng. Viện được đặt ở Vĩnh Dinh, trên núi Nam Hoa (Nghệ An), nơi Nguyễn Thiếp từng ở ẩn. Hoàng đế Quang Trung giao cho Nguyễn Thiếp tuyển chọn các nhà Nho nổi tiếng cộng tác như: Nguyễn Công, Nguyễn Thiện, Phan Tố Định, Bùi Dương Lịch… dịch sách chữ Hán ra chữ Nôm để phổ biến rộng rãi. Quang Trung cho tu sửa Văn Miếu và Học Cung cũ của chúa Nguyễn, đặc biệt là mở rộng hệ thống trường học tới cấp xã mà các triều đại trước chưa làm được.
Trong Chiếu lập học, triều Tây Sơn quy định, các xã đều phải lập nhà xã học; những con nhà nho có học và có hạnh kiểm tốt được lựa chọn làm người dạy chữ trong xã, gọi là “xã giảng dụ”. Các “xã giảng dụ” do xã lựa chọn và được triều đình cấp bằng công nhận. Do chưa kịp xây dựng đủ cơ sở vật chất như chủ trương, Hoàng đế Quang Trung lệnh cho các địa phương được sử dụng một số đền chùa vào làm trường học phủ. Các thầy dạy trong các trường học phủ phải là chức huấn đạo do triều đình bổ nhiệm, được cử đến đảm trách.
Một số văn bản chữ Nôm của Hoàng đế Quang Trung để lại như: Chiếu truyền La Sơn phu tử, do chính Quang Trung viết; lời phê của vua Quang Trung trong lá đơn xin tu bổ Văn miếu Thăng Long, Hịch kêu gọi quân dân đánh đuổi giặc Mãn Thanh… Hiện nay, Bảo tàng Bình Định đang lưu giữ tập Thi kinh giải âm do Viện Sùng Chính biên dịch vào năm 1792.
Việc chữ Nôm được đưa vào văn bản chính thức của Nhà nước và chữ Nôm chính thức được đưa vào khoa cử của Quang Trung thể hiện hoài bão muốn thoát ly khỏi sự lệ thuộc về văn hóa đối với bên ngoài, đây là một chủ trương tiến bộ về mặt văn hóa, đánh dấu một bước thắng lợi của tiếng nói dân tộc trong bối cảnh xã hội đương thời khi có nhiều thế lực phong kiến đối lập.
Sách Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim chép: “Đời Tây Sơn, việc cai trị thường hay dùng chữ Nôm. Nhà vua muốn rằng người Việt Nam thì phải dùng tiếng Việt Nam, để gây thành cái tinh thần của nước nhà, và cái văn chương đặc biệt, không phải đi mượn tiếng mượn chữ của nước Tàu, cho nên khi thi cử thường bắt quan ra đề bằng chữ Nôm, bắt sĩ tử làm bài bằng chữ Nôm…”.
Dù còn một số phản ứng trái chiều của một số nhân sĩ ủng hộ nhà Lê và chống đối Tây Sơn, trào lưu văn hóa mới vẫn phát triển, với sự xuất hiện của nhiều nhà văn chữ Nôm xuất sắc như Phan Huy Ích, Nguyễn Huy Lượng, Lê Ngọc Hân…
Chữ Nôm ra đời thể hiện ý chí độc lập, tự chủ của tinh thần dân tộc về mặt văn tự, đánh dấu bước phát triển của nền văn hóa dân tộc, đồng thời cũng khẳng định vai trò, địa vị của tiếng Việt. Chữ Nôm ra đời bắt nguồn từ ý thức tự chủ của dân tộc chống lại xu hướng Hán hóa của phương Bắc, khẳng định tinh thần dân tộc của người Việt. Chữ Nôm đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển lịch sử của người Việt. Sự hình thành và phát triển của chữ Nôm là một bước ngoặt trong trong lịch sử văn hóa Việt Nam. Mặc dù còn nhiều khiếm khuyết, nhưng chữ Nôm đã tạo nên những thành tựu rực rỡ làm phong phú kho tàng văn hóa Việt.
NGUYỄN THANH QUANG