Phòng, chống dịch bệnh động vật: Không chủ quan, lơ là
Tại một số địa phương trong nước, dịch cúm gia cầm, dịch tả heo châu Phi, dịch lở mồm long móng đã tái phát và có nguy cơ lây lan. Trước tình hình này, ngành Nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với chính quyền các địa phương tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh động vật trong cả nước nói chung vẫn đang diễn biến phức tạp, nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: Cúm gia cầm (CGC), lở mồm long móng gia súc (LMLM), dịch tả heo châu Phi (DTHCP) tại Bình Định vẫn rất cao.
Người dân xã Hoài Sơn (huyện Hoài Nhơn) chủ động tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm.
Không chủ quan, lơ là
Ông Nguyễn Văn Quốc, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi - Thú y (Sở NN&PTNT), cho biết: “Từ năm 2015, Chi cục thường xuyên hỗ trợ tiêm phòng vắc xin CGC tại các địa phương trong tỉnh; do đó dịch bệnh CGC được kiểm soát khá tốt. Riêng dịch LMLM, dù tỉnh ta không nằm trong chương trình hỗ trợ quốc gia nhưng UBND tỉnh đã cấp kinh phí hằng năm để tổ chức tiêm phòng LMLM cho đàn trâu, bò, heo và việc hỗ trợ này đạt hiệu quả rất cao. Đặc biệt tỉnh ta đã khống chế tốt DTHCP. Dù đạt nhiều kết quả tốt nhưng chúng ta không hề chủ quan, vẫn tiếp tục nâng cao cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; thường xuyên, kiểm soát chặt chẽ nhằm hạn chế lây lan bởi hiện nay dịch LMLM gia súc đang diễn ra tại Quảng Nam, Quảng Ngãi - những địa phương gần kề với Bình Định”.
Theo Bộ NN&PTNT, từ đầu tháng 2.2019 đến nay, bệnh DTHCP đã xảy ra tại 8.546 xã/667 huyện của 63 tỉnh, thành phố, tổng đàn heo tiêu hủy hơn 5,9 triệu con, chiếm 8,4% tổng trọng lượng thịt heo của cả nước. Trong khi đó, dịch CGC đã xảy ra tại 44 xã/41 huyện thuộc 24 tỉnh, thành phố; tổng số gia cầm buộc phải tiêu hủy trên 133 nghìn con. Riêng từ đầu năm đến nay, cả nước có 1 ổ dịch CGC A/H5N6 chưa qua 30 ngày tại tỉnh Quảng Ninh; dịch LMLM đang xảy ra tại tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và diễn biến phức tạp.
Nhờ được truyền thông tốt, ngay khi có thông tin về dịch bệnh động vật xảy ra tại một số địa phương trong nước, nhiều người chăn nuôi gia súc, gia cầm trong tỉnh đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo hướng dẫn của ngành chức năng.
Ông Trần Đại Dũng, ở thôn Giao Hội 1, xã Hoài Tân, huyện Hoài Nhơn, cho biết: “Gia đình tôi nuôi 4 con bò thịt chất lượng cao giống BBB. Ngoài việc vệ sinh, khử trùng chuồng trại thường xuyên, tôi chủ động tiêm phòng vắc xin cho đàn bò gia đình để phòng ngừa dịch bệnh LMLM, viêm mao trùng, tụ huyết trùng…”.
Gia đình anh Trịnh Văn Hay, ở thôn Tường Sơn, xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn chuyên nuôi vịt thịt, mỗi năm anh Hay nuôi 3 lứa vịt với số lượng khoảng 2.000 con/lứa. Anh Hay cho biết: “Sau Tết Canh Tý, tôi tái đàn thả nuôi 1.700 con vịt thịt. Để đảm bảo đàn vịt phát triển tốt, tôi mua thuốc sát trùng chuồng trại về để phun khử trùng chuồng trại thường xuyên, đặc biệt tôi liên hệ chặt chẽ với cán bộ thú y xã để áp dụng các biện pháp phòng bệnh cho đàn vịt, cũng như tiêm phòng vắc xin CGC đầy đủ”.
Tương tự, gia đình anh Trần Đình Tiến, ở thôn Kim Đông, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước cũng tiêm phòng vắc xin CGC, khử trùng chuồng trại thường xuyên để bảo vệ đàn gà, vịt của gia đình với số lượng nuôi hơn 1.000 con vịt đẻ, 1.500 con gà thịt. “Nhờ được ngành chức năng hướng dẫn, tập huấn, tôi chủ động tiêm vắc xin cho đàn gà, vịt của mình từ lúc nhỏ cho đến thương phẩm để phòng ngừa bệnh CGC, dịch tả, viêm gan siêu vi rút, nhằm giúp gà, vịt phòng ngừa dịch bệnh, phát triển tốt”.
Ngành chức năng hướng dẫn người chăn nuôi trong tỉnh thường xuyên sát trùng, phun khử trùng chuồng trại để phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm.
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Theo thống kê chưa đầy đủ, huyện Hoài Nhơn hiện có hơn 1 triệu con gà, vịt; 27.000 con trâu, bò; 10.000 con heo nái, heo đực giống. Bà Trương Thị Thúy Ức, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Nhơn, cho biết: “Tại Hoài Nhơn, về DTHCP nay đã cơ bản ổn định. Tuy nhiên, dịch LMLM đã xuất hiện rải rác trên những đàn trâu, bò mà người dân không tiêm phòng. Chúng tôi đã triển khai gấp nhiều biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vắc xin LMLM cho trâu, bò để tích cực ngăn ngừa dịch bệnh; vận động người chăn nuôi mua thuốc sát trùng, vôi để khử trùng chuồng trại thường xuyên. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền tình hình dịch bệnh động vật cho người chăn nuôi nắm bắt, áp dụng các biện pháp phòng ngừa”.
Tại huyện Tuy Phước, công tác phòng, chống dịch bệnh cho động vật cũng được tăng cường thường xuyên. Ông Cao Văn Trung, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tuy Phước, cho hay: “Do ảnh hưởng của DTHCP, từ năm 2019 đến nay, tại một số địa phương của huyện cũng còn xuất hiện rải rác tình trạng heo chết, chính quyền các địa phương cũng đã tiêu hủy theo quy định để đảm bảo vệ sinh, tránh lây lan. Cả huyện hiện có hơn 1 triệu con gà, vịt; 16.000 con trâu, bò; 33.000 con heo, đơn vị đang phối hợp các địa phương triển khai các biện pháp tăng cường phòng, chống dịch bệnh; tiêm phòng vắc xin CGC, LMLM”.
Tại Bình Định, các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật đã và đang được triển khai quyết liệt. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đào Văn Hùng cho biết: “Ngay khi có thông tin dịch bệnh xảy ra, Sở tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp tái đàn, ổn định phát triển chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh động vật trong tỉnh. Đồng thời, xuất cấp thuốc sát trùng để thực hiện tiêu độc sát trùng môi trường và cấp vắc xin LMLM, CGC để triển khai tiêm phòng sớm cho toàn đàn trâu, bò, heo nái sinh sản, heo đực giống, gia cầm tại các địa phương. Tăng cường giám sát dịch bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời; kiểm soát chặt chẽ hoạt động nuôi mới, tái đàn, hoạt động giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm…”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN