Lập cơ sở cách ly y tế để phòng chống dịch
Nhằm phát hiện sớm, ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, tỉnh đã lên phương án lập cơ sở cách ly y tế, áp dụng biện pháp và cưỡng chế cách ly y tế phòng chống dịch.
Thực hiện cách ly 2 nhóm đối tượng
Theo phương án lập cơ sở cách ly y tế được chỉ đạo bởi Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo tỉnh về phòng, chống dịch Covid-19, cơ sở cách ly y tế tập trung của tỉnh được tổ chức tại cơ sở cũ TTYT huyện Tây Sơn (51 Võ Văn Dõng, huyện Tây Sơn). Khu cách ly do UBND tỉnh quản lý và không bao gồm các khu cách ly do quân đội quản lý. Ngày 19.2 tới, UBND tỉnh sẽ kiểm tra công tác chuẩn bị sẵn sàng ứng phó của khu cách ly y tế tập trung.
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng (thứ hai từ trái sang) kiểm tra cơ sở hạ tầng, các điều kiện thực hiện quy trình kiểm soát, kiểm dịch y tế đối với người nhập cảnh tại Cảng Hàng không Phù Cát.
Cơ sở trên thực hiện cách ly y tế đối với 2 nhóm đối tượng: Người đến từ hoặc đi qua tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) nhập cảnh vào Việt Nam trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh. Người thuộc diện phải cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú để phòng chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế và người Việt Nam đến từ hoặc đi qua Trung Quốc (trừ tỉnh Hồ Bắc) trở về Việt Nam trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh nhưng không chấp hành việc cách ly tại nhà, nơi lưu trú theo quy định.
Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng, Phó trưởng Ban chỉ đạo tỉnh về phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, cơ sở bố trí khu vực cách ly riêng biệt cho từng nhóm đối tượng, người nước ngoài riêng và người Việt Nam riêng; bố trí riêng cho người có tiếp xúc gần với người trong cơ sở cách ly nhưng phát hiện có dấu hiệu nhiễm bệnh Covid-19 trong thời gian ở tại đây. Thời gian cách ly đảm bảo yêu cầu 14 ngày.
Việc tổ chức cách ly được thực hiện theo đúng quy trình kiểm soát, giám sát. Thực hiện khai báo y tế và kiểm dịch y tế đối với người nhập cảnh ngay tại Cảng Hàng không Phù Cát và cảng biển Quy Nhơn. Đối với cộng đồng, các cơ quan, đơn vị chức năng (y tế, CA, du lịch, UBND các cấp...) nếu phát hiện trường hợp trong 2 nhóm đối tượng phải thực hiện cách ly, thì thông báo đến Sở Y tế để ra quyết định việc cách ly (theo ủy quyền của Trưởng Ban chỉ đạo tỉnh về phòng, chống dịch Covid-19).
Trong trường hợp có ca mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh tại cơ sở cách ly, báo cáo ngay cho người phụ trách cơ sở cách ly, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, chính quyền địa phương xử lý. Chuyển người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh đến bệnh viện được chỉ định bởi Sở Y tế để quản lý, điều trị và lấy mẫu bệnh phẩm. TTYT huyện Tây Sơn tiến hành xử lý phòng bệnh nhân và chỉ được sử dụng trở lại sau khi đã khử trùng.
Đảm bảo năng lực tiếp nhận điều trị
Đến thời điểm này, vẫn chưa có thuốc đặc hiệu điều trị dịch bệnh Covid-19, chủ yếu là điều trị triệu chứng. Tại Việt Nam, đến sáng 15.2 ghi nhận 16 trường hợp mắc bệnh. Hiện có những người nhiễm Covid-19 mà không có triệu chứng, đây là khó khăn trong ứng phó với dịch bệnh này.
Phân luồng nơi tiếp nhận bệnh nhân sốt, ho, khó thở để phát hiện sớm người có dấu hiệu nghi nhiễm vi rút Corona tại cơ sở y tế.
Tại Bình Định, ông Lê Quang Hùng thông tin, hiện không còn bệnh nhân điều trị cách ly tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Bộ Y tế liên tục điều chỉnh phương án điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19. Lúc đầu, phương án điều trị bệnh nhân xác định nhiễm bệnh tập trung cho các bệnh viện Trung ương, Bình Định nằm trong nhóm tỉnh, thành đưa bệnh nhân ra điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế. Tuy nhiên, đến nay Bộ đã thay đổi khi cho tập trung điều trị ở y tế cơ sở. Như vậy, việc nâng cao năng lực cho các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện ở từng địa phương rất quan trọng
Hiện nay, ngoài BVĐK tỉnh có 2 khu điều trị cách ly, các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện cũng chuẩn bị cơ sở sàng lọc, phát hiện sớm và điều trị cách ly các trường hợp nghi nhiễm và mắc bệnh Covid-19. Tình huống xấu, bệnh viện dã chiến được sử dụng tại cơ sở mới xây của TTYT huyện Hoài Nhơn, quy mô 200 giường bệnh. Như vậy, toàn tỉnh đảm bảo cơ sở điều trị Covid-19 đáp ứng 500 giường bệnh.
Với trang thiết bị, đặc biệt là máy thở, ngoài cơ số hiện có tại các cơ sở y tế trong tỉnh, UBND tỉnh đã chi 6 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị y tế cấp cho BVĐK tỉnh. 30 máy phun hóa chất cũng được cấp cho các huyện. Ngoài ra, UBND tỉnh cấp 13,5 tỷ đồng để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Vật tư, hóa chất cũng được chuẩn bị, bố trí cơ số dự phòng cho chống dịch.
“Tất cả các phương án tiếp nhận, điều trị đều phải sẵn sàng và trong tình thế chủ động. Các bệnh viện trong tỉnh đều phải bật chế độ thường trực chống dịch 24/7. Bởi, bài học lớn nhất trong phòng, chống dịch là phát hiện sớm những người có nguy cơ để xử lý kịp thời, ngăn chặn lây lan trong cộng đồng”, ông Lê Quang Hùng nhấn mạnh.
THU HIỀN