Xử lý hành vi dùng công cụ kích điện khai thác thủy sản: Phải kiên quyết hơn
Hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản đã bị cấm. Nhưng gần đây, người dân sử dụng thiết bị này để rà cá, tôm… trên các nhánh sông, ao đầm, kênh mương nội đồng trong tỉnh có chiều hướng gia tăng, ẩn chứa rủi ro tai nạn và hủy diệt nguồn lợi thủy sản.
Bất chấp nguy hiểm
Công cụ kích điện được các đối tượng dùng để khai thác thủy sản gồm một bình ắc quy công suất 12 hoặc 24 V, bộ kích điện gắn với 2 gọng xiếc cầm tay. Khi đưa gọng xiếc xuống nước thì trong một phạm vi mặt nước hẹp, tất cả các loài thủy sản từ lớn đến nhỏ đều bị giật điện, chết nổi trên mặt nước.
Một trường hợp dùng kích điện để rà cá trên kênh mương nội đồng ở xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước).
Các đối tượng sử dụng kích điện để khai thác thủy sản mỗi ngày có thể kiếm được từ 200 - 500 nghìn đồng, tùy vào khu vực có nhiều hay ít cá. Kiểu khai thác thủy sản này khiến nguồn tài nguyên bị cạn kiệt, môi trường sinh thái bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đáng lo, việc sử dụng công cụ kích điện tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đến tính mạng của người sử dụng. Tối 5.2, ông P.N.K., 66 tuổi, ở thôn Phú Hữu 2, xã Ân Tường Tây (huyện Hoài Ân) sử dụng bình kích điện ra sông Kim Sơn để rà cá, nhưng chẳng may bị điện giật dẫn đến tử vong.
Việc sử dụng công cụ kích điện để đánh bắt thủy sản đang có chiều hướng gia tăng là do chính quyền địa phương, lực lượng chức năng xử lý hành vi vi phạm này chưa nghiêm, thậm chí có nơi còn lơ là. Cùng với đó, quy định mức xử phạt vi phạm hành chính còn thấp, chưa đủ sức răn đe. Trong khi đó, việc đánh bắt cá bằng kích điện mang lại hiệu quả khá lớn mà chi phí đầu tư thấp (từ 1 - 3 triệu đồng/bộ).
Ông Nguyễn Văn Hòa, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân, thừa nhận: “Chính quyền cơ sở chưa thật sự quan tâm đến việc kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác thủy sản kiểu tận diệt này, nhất là ở các nhánh sông, kênh mương thủy lợi. Bên cạnh đó, ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế”.
Cần giải pháp đồng bộ, kiên quyết hơn
Năm 2019, huyện Tuy Phước đã xử phạt 7 đối tượng sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản, chủ yếu trên đầm Thị Nại. Lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện cho biết, thời gian tới, ngoài tổ chức nhiều đợt kiểm tra, đơn vị tham mưu UBND huyện chỉ đạo chính quyền các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản sâu rộng xuống khu dân cư. Đồng thời, UBND các xã, thị trấn cần phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ, khai thác hợp lý nguồn lợi thủy sản ven bờ, nội đồng. Phòng sẽ tiếp tục phối hợp với Thanh tra, pháp chế (Chi cục Thủy sản) và các đơn vị liên quan kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khai thác thủy sản, trọng tâm là kiểm tra và xử lý việc sử dụng xung điện, chất nổ, bơm hút thủy sản trên khu vực nội đồng, đầm Thị Nại.
Ðiều 28, Nghị định số 42/2019/NÐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, có hiệu lực từ ngày 5.7.2019, quy định: Phạt từ 3 - 5 triệu đồng hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản. Hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán công cụ kích điện để khai thác thủy sản bị phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng và tịch thu tang vật vi phạm.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân, cam kết: Phòng sẽ báo cáo UBND huyện về tình hình người dân sử dụng công cụ kích điện để rà cá, tôm trên các nhánh sông, kênh mương nội đồng ở địa phương. Phối hợp với chính quyền cơ sở tuyên truyền, vận động các đối tượng sử dụng công cụ kích điện giao nộp và chuyển đổi sang nghề khác phù hợp. Đối với các hành vi vi phạm, CA các địa phương cần kiên quyết xử lý hoặc phối hợp với lực lượng chức năng của huyện để giải quyết hiệu quả.
Theo Phòng Thanh tra, pháp chế, Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), năm 2019, đơn vị chủ động phối hợp với đơn vị có liên quan tổ chức tuần tra kiểm soát trên đầm Thị Nại, đầm Đề Gi, khu vực ven biển Quy Nhơn, Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát. Kết quả kiểm tra đã xử phạt vi phạm hành chính 71 trường hợp với hơn 237 triệu đồng. Năm 2020, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai nghiêm công tác này. Riêng ở khu vực kênh mương nội đồng, các nhánh sông, ao, hồ thì chính quyền cấp huyện, xã cần chủ động phối hợp với CA địa phương kiểm tra, phát hiện tịch thu, xử phạt các đối tượng sử dụng kích điện để rà cá, tôm…
TRỌNG LỢI
Đề nghị lãnh đạo các tỉnh thành của VN phải vào cuộc kiên quyết và sát sao hơn với loại dùng kích điện đánh bắt thủy hải sản , nhất là ở các vùng nông thôn và trên những dòng sông , phải phạt thật nặng và tịch thu dụng cụ , nếu tái phạm phải bỏ tù , có thế may ra mới xóa xổ được loại hình đánh bắt tận diệt này !
ối giời ở địa phương nào cũng thấy kíc điện đi như hội mà có thấy chính quyền nói gì đâu,hồi xưa ra đồng có đủ thứ cua ốc cá chạch bây giờ sạch bong,không còn con sinh vật nào,không biết sinh ra bộ tài nguyên môi trường ra để làm gì,lương và bổng lộc cứ vẫn đều đều,công việc thì không ai chịu trách nhiệm,,,,, ,than ôi.......