Vĩnh Thạnh: Huy động sức dân khắc phục hậu quả mưa lũ
Đợt lũ dữ vừa qua đã làm hệ thống hạ tầng nông thôn huyện Vĩnh Thạnh bị hư hại nặng, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Huyện Vĩnh Thạnh đang huy động mọi nguồn lực, mọi biện pháp để khắc phục, nhằm ổn định đời sống, sinh hoạt và sản xuất cho nhân dân.
Tại xã Vĩnh Kim, mưa lũ làm tuyến đường từ thôn O5 đi Kon Trú và đoạn từ Nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh đến cầu treo O2 bị sạt lở nặng. Riêng cầu treo thôn O2, O5 bị cuốn trôi gây chia cắt, cô lập nhiều khu dân cư. Địa phương đã tăng cường công tác kiểm soát việc người dân, học sinh đi lại trên sông suối, nơi bị sạt lở; vận động bà con nhân dân thu dọn đất đá để thông đường. Đồng thời thuê người làm bè, cấp áo phao qua sông cho bà con tại 2 thôn O5 và O3, vì cầu treo bị nước lũ cuốn trôi. “Hiện nay, xã tiếp tục huy động đội thanh niên xung kích, dân quân tự vệ và nhân dân địa phương dốc sức khẩn trương khắc phục 800 m hệ thống kênh mương nội đồng bị cát bồi lấp để sớm bước vào sản xuất vụ Đông - Xuân. Riêng 3 hộ dân có nhà bị sập, trước mắt, xã đã mua bạt, các vật dụng sinh hoạt để hỗ trợ người dân dựng lều tạm để ở…”, ông Đinh Mun - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim, cho biết.
Tại 2 xã Vĩnh Thuận và Vĩnh Quang, từ ngày 25-28.11, hơn 50 cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 977, Sư đoàn 31, Quân đoàn 3 và hàng trăm đoàn viên, thanh niên xung kích, dân quân địa phương và cán bộ trên địa bàn 2 xã đã ra quân khắc phục hậu quả lũ lụt trên địa bàn. “Xã đã nạo vét hàng chục ngàn mét kênh mương nội đồng bị sạt lở, hư hỏng; hàn nối lại một số tuyến đường giao thông nông thôn; tập trung sản xuất vụ Đông - Xuân”, ông Nguyễn Trúc Hà - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quang, chia sẻ.
Theo ông Huỳnh Đức Bảo, Chánh Văn phòng UBND huyện Vĩnh Thạnh, sau khi nước lũ rút, huyện đã cấp hỗ trợ 18 ngàn bao cát cho nhân dân khắc phục tạm thời các kênh mương bị sạt lở, sa bồi thủy phá, tập trung sản xuất kịp thời vụ. UBND huyện vẫn đang tập trung lực lượng, huy động phương tiện cơ giới nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn khẩn trương san ủi, thông suốt các tuyến giao thông đi các xã Vĩnh Kim, Vĩnh Sơn; sửa chữa đường ven và hạ lưu hồ Định Bình.
Ông Lê Văn Đẩu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Ngoài việc tập trung khôi phục lại hệ thống giao thông sau lũ, huyện đã chỉ đạo y tế huyện khẩn trương khắc phục môi trường, các giếng nước tại 2 xã Vĩnh Quang và Vĩnh Thuận bị ngập sâu. Huyện kịp thời hỗ trợ 4,4 tấn gạo, 220 thùng mì tôm, nước mắm, muối I-ốt, cá khô… cho bà con vùng bị cô lập. Huyện cũng đã xuất dự phòng chi 860 triệu đồng hỗ trợ cho các địa phương; chỉ đạo UBND các xã xây dựng, sửa chữa nhà cửa cho nhân dân bị sập, cung cấp lương thực, quần áo, thuốc men cho bà con”.
Cơn lũ vừa qua huyện Vĩnh Thạnh đã thiệt hại, gồm: 46,9 km đường, hơn 8 km kênh mương bị sạt lở, cuốn trôi; 23 cầu cống bị sập; 27 điểm sạt lở với khối lượng đất đá lên đến hàng chục ngàn khối; 2 cầu treo của xã Vĩnh Kim bị sập đã cô lập các thôn O3, O5, O2 và Kon Trú của xã Vĩnh Kim; 507 thửa đất sản xuất bị sa bồi thủy phá. Toàn huyện có khoảng 2.470 con gà, vịt và gần 150 con trâu, bò bị chết hoặc bị lũ cuốn trôi; 3 ngôi nhà bị sập hoàn toàn… Ước tổng thiệt hại trên địa bàn hơn 180 tỉ đồng.
Bài, ảnh: TRỌNG LỢI