Hỗ trợ vốn, lãi suất vay cho doanh nghiệp
Trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (Covid-19) gây ra diễn biến phức tạp, tác động bất lợi đến tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) không được tăng lãi suất, kể cả lãi suất huy động.
Nhiều ngân hàng có chính sách giảm lãi suất, cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Ảnh: PHAN LÊ
Chia sẻ khó khăn
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, trong điều kiện thanh khoản hiện dồi dào, ngân hàng không thiếu vốn, các NHTM không được tăng lãi suất, kể cả lãi suất huy động. Nếu cần thiết, NHNN sẽ điều chỉnh lãi suất điều hành, qua đó gián tiếp giúp các ngân hàng giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) chịu thiệt hại trong thời điểm dịch bệnh. Phó Thống đốc cũng lưu ý, toàn hệ thống cần đảm bảo các hoạt động diễn ra bình thường, không có tình huống đóng cửa không giao dịch. Các NHTM cần thực hiện nhiều giải pháp như cơ cấu lại nợ, dư nợ, thời gian trả nợ, xem xét giảm lãi suất…
Hiện hàng loạt ngân hàng đã vào cuộc, chung tay hỗ trợ người dân, DN bị ảnh hưởng do Covid-19. Vietcombank giảm lãi suất từ 1%-1,5%/năm đối với dư nợ vay VND, tùy kỳ hạn; giảm lãi suất 0,5%-0,75%/năm đối với dư nợ vay USD; cho vay mới với lãi suất giảm 1%/năm đối với VND và 0,5%/năm đối với USD. VietinBank có chương trình cho vay trong một số lĩnh vực với lãi suất 6,8%/năm bên cạnh mức 6%/năm dành cho lĩnh vực ưu tiên. Agribank ưu đãi cho vay chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp với lãi suất khoảng 6%/năm. Các NHTM khác như ABBank dành 2.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi với lãi suất từ 9,7%/năm áp dụng đến hết tháng 6-2020; VPBank giảm lãi suất cho vay 1,5%/năm đối với các DN bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Từ nay đến khi Chính phủ công bố hết dịch, NamA Bank giảm lãi suất 0,5%/năm so với biểu lãi suất cho vay hiện hành đối với VND và USD cho các DN lĩnh vực du lịch, lưu trú, hàng không, nông nghiệp, nhà hàng, quán ăn, xuất nhập khẩu. ACB có gói tín dụng cho vay mới với lãi suất thấp hơn hiện tại, đồng thời cơ cấu trả nợ cho các DN bị ảnh hưởng Covid-19 không có nguồn trả nợ bằng cách chuyển một phần lãi qua kỳ tiếp theo…
Để đa dạng kênh tiếp cận vốn cho DN, các ngân hàng SHB, MBBank và BacABank vừa ký hợp đồng khung cho vay gián tiếp với Quỹ Phát triển DN nhỏ và vừa để hỗ trợ nguồn vốn cho DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, DN nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Theo đó, các DN sẽ được vay ngắn hạn với lãi suất ưu đãi 4,16%/năm, trung và dài hạn là 6%/năm và không thay đổi trong suốt thời hạn vay vốn. Mức cho vay đối với mỗi dự án, phương án sản xuất kinh doanh tối đa không quá 80% tổng mức vốn đầu tư. Thời hạn cho vay được xác định phù hợp với khả năng thu hồi vốn, khả năng trả nợ của DN và điều kiện cụ thể của từng dự án, phương án sản xuất kinh doanh, nhưng tối đa không quá 7 năm. Thời gian ân hạn cho một dự án tối đa là 2 năm.
Không nới lỏng chính sách tiền tệ
Theo nhiều chuyên gia, mặc dù các NHTM đưa ra các giải pháp hỗ trợ vốn cho người dân và DN bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nhưng đó chưa phải là xu hướng lãi suất của thị trường. Việt Nam mới có một lần điều chỉnh giảm 0,25% lãi suất điều hành vào tháng 9-2019, ít hơn so với các nước trong khu vực. Do đó, dư địa để Việt Nam cắt giảm tiếp lãi suất điều hành là khá nhiều, dù rằng tác động của việc giảm lãi suất điều hành đến mặt bằng lãi suất cho vay ở Việt Nam là khá hạn chế.
Cũng phải nói, còn 2 yếu tố là lộ trình kiểm soát rủi ro về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ được giảm dần và nâng cao năng lực tài chính theo chuẩn Basel II vẫn sẽ khiến mặt bằng lãi suất huy động khó giảm mạnh trong thời gian tới. Tuy nhiên, kịch bản lãi suất giảm, hoặc duy trì ổn định được đánh giá nhiều khả năng xảy ra hơn là kịch bản lãi suất tăng.
Diễn biến lãi suất hiện tại của Việt Nam theo đánh giá của giới chuyên môn là phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Tại châu Á, Trung Quốc - quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất và tập trung nhất của Covid-19, ngân hàng trung ương nước này đầu tháng 2-2020 cũng đã có quyết định giảm lãi suất, bơm mạnh tiền vào hỗ trợ nền kinh tế. Nhiều ngân hàng trung ương các nước Philippines, Thái Lan… cũng đã hạ lãi suất nhằm đối phó với ảnh hưởng của bệnh dịch trên đối với nền kinh tế. Đây được xem là động thái nới lỏng chính sách tiền tệ sau khi Covid-19 lan rộng. Trong Báo cáo triển vọng Việt Nam mới đây, Công ty Chứng khoán MBS cho rằng, lạm phát trong tháng 1-2020 vẫn tăng (chủ yếu do giá thịt heo) nhưng sẽ giảm trong quý 2-2020. Đây có thể là động lực cho chính sách tiền tệ nới lỏng hơn từ Ngân hàng Nhà nước, cũng như phần nào cân bằng tác động lên lạm phát.
Nhiều chuyên gia trong ngành đều cho rằng, đối với chính sách tiền tệ hiện nay, mục tiêu tối thượng vẫn là kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá. Ngân hàng Nhà nước cũng tỏ rõ quan điểm không nới lỏng, mà duy trì như hiện tại. Sự ổn định của chính sách tiền tệ sẽ giúp ổn định kinh tế vĩ mô, tạo niềm tin cho người dân, không diễn ra tình trạng găm hàng, đầu cơ tăng giá. Hơn thế, việc xây dựng các gói kích cầu để dự phòng là cần thiết, song chỉ nên áp dụng (nếu có) với một nhóm đối tượng nhất định, đi kèm với kiểm soát chặt dòng tiền. Bởi lẽ, tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay nhiều khả năng tăng trưởng chậm lại so với năm 2019. Trước mắt là quý 1-2020 tăng trưởng kinh tế sụt giảm, thậm chí kéo dài sang quý 2-2020, nên nhu cầu về vốn cho nền kinh tế có thể không quá lớn.
Theo SSI Research, lãi suất huy động trong năm nay có khả năng tiếp tục hạ, dựa trên 2 nền tảng là thanh khoản hệ thống ngân hàng và định hướng từ Chính phủ. Diễn biến lãi suất tiền gửi sau Tết Nguyên đán 2020 cũng cho thấy, các NHTM hầu như đều giữ nguyên ở hầu hết các kỳ hạn so với trước tết; thậm chí, một số ngân hàng còn giảm nhẹ lãi suất huy động. Trong khi mọi năm, lãi suất huy động được các NHTM điều chỉnh tăng nhằm hút vốn chuẩn bị kế hoạch kinh doanh đầu năm.
Theo NHUNG NGUYỄN (SGGP)