Đã ngưng lặng một tiếng trống chầu
“Sống chính trực và yêu ghét rạch ròi, nghiêm cẩn và tận tụy với nghiên cứu khoa học, đặc biệt ông thương, quý, trân trọng một cách cực đoan quê hương Bình Định và những bạn bè biết nỗ lực làm giàu cho xứ văn chương này”
Gần 12 giờ trưa 28.11.2013, trong giấc ngủ nhẹ, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn đã cất bước về miền cực lạc. Ông được bạn bè, văn giới, báo chí trong và ngoài nước tôn vinh là nhà “Đào Tấn học”, nhà nghiên cứu hát bội hàng đầu, một roi chầu sành sõi, nghiêm cẩn.
Trừ 11 đoàn tuồng không chuyên ở Bình Định còn giữ nguyên cái độc đáo của hát bội là roi chầu thưởng phạt, nhạc cụ vua tạo cảm hứng cho nghệ sĩ và kết nối sân khấu với công chúng, hầu hết tiếng trống chầu của các đơn vị “chuyên” không hiểu sao giờ thường vắng chất nhạc siêu đẳng này. Ngay trên quê hương hát bội, ông, đại biểu cuối cùng còn tận tụy, miệt mài với hát bội đã bất ngờ ra đi ở tuổi 90. Những gắng gỏi không biết mệt mỏi của ông một đời cho ngành nghệ thuật độc đáo này của dân tộc đã đột ngột dừng lại trong ngỡ ngàng và tiếc thương của người thân, bạn bè.
***
Ngày hôm trước, ông còn viết chữ tặng hai người bạn sau mấy tháng tìm cho ra loại giấy ưng ý. Bốn chữ cho nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo là “Tiết tháo ngâm ông”, cho nhà văn- nhà báo Xuân Ba là “Tiêu dao ký giả”, chữ viết còn đẹp, nét bút còn khỏe. Gọi điện hỏi địa chỉ bạn tận Hà Nội để gửi tặng. Trước đó một tháng, còn viết bài “Nhớ Yến Lan” gửi các báo. Trước xa hơn, giữa năm 2011, ông cho in công trình “Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu - ông đồ nghệ sĩ”, cuốn sách là chỗ dựa căn bản cho các bậc trí giả khắp nước cuối năm này về Bình Định tham gia Hội thảo khoa học về vị tôn sư, nghiệp sư của danh nhân Đào Tấn. Nhiều diễn giả trước khi đọc tham luận đều nói lời cám ơn Vũ tiên sinh. Thêm trước chút nữa, cuối năm 2010, ông in cuốn “Góp nhặt dọc đường” tập hợp những khảo cứu quan trọng của mình về văn hóa, về hát bội, về Đào Tấn.
Kể như vậy để nói rằng, sau khi in bộ ba đồ sộ về Đào Tấn (từ 2003 đến 2007) ở tuổi ngoài bát thập, ai cũng nghĩ “đại công cáo thành”, ông có thể xoa tay và cười, rồi ung dung an nhàn. Nhưng, dù tự nhận “tui là người ham chơi”, người ham chơi này vẫn miệt mài, đều đặn chắt chiu từng sở học, kinh lịch của mình dâng tặng cho đời.
Ông vẫn còn vài dự định chưa làm được là tập hợp những vở tuồng hát bội cổ, hiệu đính, chú giải in lại cho đời sau khỏi “tam sao thất bản”. Làm rồi in tập trên giấy A4 thôi, dự định mỗi vở in 100 bản, ngoài lưu bảo tàng còn gửi các đoàn chuyên, không chuyên khắp nước. Vậy mà không đủ tiền, loay hoay tìm nguồn tài trợ chưa có nên còn dở dang.
Gần đây, từ một vở tuồng cổ, ông tình cờ phát hiện nghĩa chữ “chén núy quan” trong “Hộ sanh đàn” chính bậc tiền bối Phạm Phú Tiết loay hoay nhiều năm cũng cẩn thận ghi lời chú rằng không biết, “nhờ các bậc cao minh chỉ giúp”. Ông tình cờ mà hiểu được từ khó “núy” là sừng tê giác cái làm chén uống rượu. “Người ham chơi” định hôm nào hứng sẽ viết chi tiết này, giờ ông đi mà quên mất lời hẹn. Còn nữa những dự định, nhưng việc “lực bất tòng tâm”, việc chắc ông cố tình để lại sự nuối tiếc cho mọi người với nụ cười vừa lành hiền vừa tinh quái thường trực trên gương mặt đẹp của bậc chính nhân quân tử.
Sáng đó, ông chỉ thấy đau râm ran vùng bệnh cũ sỏi mật, tụy. Người nhà đưa đi khám bệnh, thấy không có gì nghiêm trọng bác sĩ cấp thuốc về nhà uống. Vài người bạn trẻ lệ thường đến chơi với ông tự pha trà tiếp nhau. Ông nằm giường cạnh bàn cười nói vui vẻ, thỉnh thoảng còn ngồi dậy tham gia. Đến 11 giờ ông chợp mắt, ai cũng nghĩ trong thuốc có an thần, để ông ngủ chút rồi dậy ăn trưa. Không một tín hiệu gì, ông lén đi trong giấc ngủ, nhẹ như sương, như mây, những áng mây trắng xốp trên nền trời bình yên.
Vẫn biết ở tuổi ông việc về với miền cực lạc là có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nhưng, với nụ cười hóm thường trực, ông “bỏ cuộc chơi” tắt ngang, không cho bạn bè và người thân chút chuẩn bị nào. Ông nhường, lành nên thường bị bạn bè “bắt nạt”, giờ thì “Vũ đại ca” đã ra chiêu chơi bạn bè một vố ngoạn mục. Thấy từ xa mờ còn vọng tiếng cười rất sướng của ông rằng, tao trị được bay rồi!
Mươi năm trước, khi người vợ qua đời, ông khóc câu: “Con cháu đã lớn khôn, mình hãy an nhàn nơi cõi thọ/ Văn chương chưa rảnh nợ, tui còn bận bịu chốn trần gian”. Giờ thì ông đã đoàn tụ với những người thân nơi nghĩa trang gia tộc ở quê nhà Nhơn Lý mà ông đặt tên là “Cực lạc viên”, nơi có những núi cát, vách đá đẹp mê hồn và quanh năm biển hát ru.
Ông thường nói cái câu thuở đầu học chữ Hán cha ông dạy: “Tịch bất chính bất tọa”, nghĩa là chiếu trải không ngay ngắn không ngồi. Câu dạy làm người sâu sắc ấy ông luôn gắng thực hiện suốt đời. Sống chính trực và yêu ghét rạch ròi, nghiêm cẩn và tận tụy với nghiên cứu khoa học, đặc biệt ông thương, quý, trân trọng một cách cực đoan quê hương Bình Định và những bạn bè biết nỗ lực làm giàu cho xứ văn chương này. Ông cá tính nhất trong những người nhiều cá tính. Rồi đến khi bớt hụt hẫng, bạn bè sẽ hiểu đúng điều này: đã mất hẳn ông, không chỉ là người nhiều công tích được vinh danh “Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật”, mà là mất một con người độc đáo đến từng cực đoan.
Vĩnh biệt ông, đành vậy, vĩnh biệt một con người thật đẹp cả những cao siêu và thế tục. Vĩnh biệt “Vũ đại ca”, đành vậy, nhưng biết rằng ông vẫn còn mãi với Đào Tấn, với hát bội, với chúng ta!
Bài: LÊ HOÀI LƯƠNG
Ảnh: TRẦN HOA KHÁ
TIỂU SỬ NHÀ NGHIÊN CỨU VŨ NGỌC LIỄN
Nhà nghiên cứu: VŨ NGỌC LIỄN
Sinh ngày 18 tháng 11 năm 1924, tại Nhơn Lý - TP Quy Nhơn, đã thanh thản từ biệt chúng ta vào lúc 11 giờ 50 phút ngày 28.11.2013, hưởng thọ 90 tuổi;
Tiểu sử nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn (Nguồn tư liệu từ Nhà hát tuồng Đào Tấn)
- Họ và tên (khai sinh): VŨ NGỌC LIỄN
- Ngày, tháng, năm sinh: 22.10 - Giáp Tý (18.11.1924)
- Dân tộc: Kinh
- Nguyên quán: xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định
- Hộ khẩu thường trú: 06 Nguyễn Biểu, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định
- Đơn vị công tác: Nhà hát Đào Tấn (hưu trí)
- Chức vụ: Nguyên trưởng phòng nghiên cứu Nhà hát Đào Tấn
-Từ năm 1954 đến năm 1959: Công tác diễn viên và công tác nghiên cứu ở Đoàn tuồng liên khu V tại Hà Nội.
-Từ năm 1959 đến năm 1966: Tốt nghiệp đại học tại Học viên Hý khúc Trung Quốc và Kết nghiệp nghiên cứu sinh tại Viện nghiên cứu Hý khúc Trung Quốc, Bắc Kinh.
-Từ năm 1967 đến năm 1975: Công tác ở Bộ Văn hóa, Viện nghiên cứu sân khấu và Cục biểu diễn nghệ thuật.
-Từ năm 1975 đến 1984: Công tác nghiên cứu tại Nhà hát Đào Tấn đến lúc về hưu.
Tác phẩm chính đã xuất bản
- Đào Tấn nhà thơ nghệ sĩ Tuồng xuất sắc (Kỷ yếu Hội nghị Đào Tấn lần I) – (chủ biên)
- Thư mục – Tư liệu về Đào Tấn (chủ biên)
- Thơ và Từ của Đào Tấn (NXB Văn học in lần đầu)
- Liệt truyện Kẻ sĩ đất Thang Mộc (tập I)
- Góp nhặt dọc đường (NXB Sân khấu in lần đầu)
- Góp nhặt dọc đường (NXB Sân khấu tái bản, thêm bài – 2010)
- Đào Tấn - Thơ và từ (NXB Sân khấu)
- Đào Tấn - Tuồng hát Bội (NXB Sân khấu)
- Đào Tấn - Qua thư tịch (NXB Sân khấu)
- Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu ông đồ nghệ sĩ (NXB Sân khấu - 2011)
Và nhiều tác phẩm biên khảo khác
Tác phẩm chưa in
- Cùng đề tài hai kịch chủng
- Ba hồi độc đáo trong pho tuồng Vạn Bửu Trình Tường
Giải thưởng và thành tích hoạt động
- Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật
- Huy chương kháng chiến hạng Nhất
- Huân chương chống Mỹ hạng Nhất;
- Giải A Hội Nghệ sĩ sân khấu năm 2002.
- Giải A giải thưởng VHNT Xuân Diệu - Đào Tấn tỉnh Bình Định.
Con còn nhớ nét chữ của ông trên cuốn sách "Góp nhặt dọc đường" khích lệ con hoàn thành tốt luận văn. Nhớ cả giọng nói chậm rãi nhưng chắc nịch của ông khi con hỏi về nghệ thuật hát Bội. Con xin được tiễn biệt ông - cây đại thụ của hát Bội Bình Định, cùng thành kính chia buồn cùng gia quyến!
Thành kính tiễn đưa Nhà nghiên cứu Tuồng Vũ Ngọc Liễn về với Cụ Nguyễn Diêu , Cụ Đào Tấn nơi miền cực lạc ! Xin chia buồn cùng tang quyến anh Võ Ngọc Thọ . Cao Trọng Quế
Tiễn biệt một nhân tài Nghệ thuật Tuồng Việt nam.Bình định mất đi một nhà nghiên cứu Tuồng Đào Tấn.Xin chia buồn cùng gia quyến anh Vũ ngọc Thọ.
Sinh thời ông cho chữ thiên hạ Giờ tôi viết đối viếng ông: MÊ VĂN CHƯƠNG, THÍCH MAI TÙNG, SOI CỔ LỤC THƠ TỪ ĐÀO TẤN ĐẮM HÁT BỘI, SAY TÌNH NGHĨA, DỰNG HÍ TRƯỜNG TUỒNG TÍCH NGUYỄN DIÊU Nơi nào đó, ông cứ thoải mái bắt bẻ ý, từ của kẻ hậu sinh này. Kính bái biệt.