TỪ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ MIỀN NÚI, DÂN TỘC THIỂU SỐ:
Ðời sống đồng bào có nhiều khởi sắc
Nhiều năm qua, nhờ việc triển khai các chương trình, chính sách, dự án hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển kinh tế đạt hiệu quả khá tốt, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở tỉnh ta có nhiều khởi sắc, thay đổi tích cực.
Bà Đinh Thị Boi (Vĩnh Sơn, Vĩnh Thạnh) thu hoạch trên vườn rau của mình.
Được chuyển giao kỹ thuật, cập nhật thông tin KHKT, hướng dẫn chu đáo, lại được hưởng lợi từ các chương trình, chính sách hỗ trợ của trung ương và tỉnh, được vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã vươn lên thoát nghèo, một số hộ thậm chí còn đạt mức khá giả.
Trường hợp thoát nghèo của hộ bà Đinh Thị Xuân, ở làng Hà Văn Trên, xã Canh Thuận, huyện Vân Canh là một điển hình. Sau khi được tư vấn về ngành nghề, hướng dẫn kỹ thuật, bà Xuân được vay vốn từ Chương trình cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư xây dựng chuồng trại, chuyển từ nuôi bò cỏ sang nuôi bò lai, mở rộng quy mô canh tác. Hiện, thu nhập từ đàn bò lai cộng với trồng keo lai, mì cao sản, trồng cây ăn quả và buôn bán tạp hóa đem lại cho gia đình bà thu nhập khoảng 200 triệu đồng mỗi năm.
Chính sách hỗ trợ sản xuất giống cây trồng, vật nuôi cho đồng bào DTTS đã góp phần thay đổi phương thức sản xuất truyền thống giúp nâng cao giá trị sản xuất và phát huy lợi thế của địa phương. Một số sản phẩm nông sản còn được khẳng định trên thị trường.
Gia đình ông Đinh Văn Líp, ở xã BókTới, huyện Hoài Ân trước đây chỉ biết trồng cây mì, cây chuối với thu nhập thấp do giá cả thị trường biến động. Năm 2006, nhờ mạnh dạn chuyển đổi sang trồng keo lai, ông Líp kiếm được khoản vốn nhỏ, sửa sang lại nhà cửa và mua bò giống nuôi. Ông Líp chia sẻ: “Sau 5 năm trồng keo lai, hiệu quả kinh tế rõ rệt, nhưng tôi thấy trồng keo lai phải mất đến 5 năm mới cho thu hoạch, vì thế tôi áp dụng giải pháp lấy ngắn nuôi dài, chuyển một số diện tích đất sang trồng dừa xiêm lùn. Đến nay, tổng thu nhập từ cây keo lai, dừa xiêm, nuôi heo và trồng lúa nước sau khi trừ chi phí gia đình kiếm được trung bình 100 triệu đồng mỗi năm”. Hay gia đình ông Nguyễn Hữu Oanh nhờ được hỗ trợ 100% giống, hệ thống tưới tiêu, điện nước và kỹ thuật đã phát triển thành công trang trại trồng trà Gò Loi, mang lại gia đình ông thu nhập khoảng 100 triệu đồng mỗi năm và góp phần phát triển danh trà Gò Loi của huyện.
Bà Đinh Thị Xuân (Canh Thuận, Vân Canh) vui đùa bên con cháu sau giờ lao động.
Ông Hoàng Anh Thiện, cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Hoài Ân chia sẻ: “Để kinh tế hộ gia đình phát triển, việc lựa chọn cây gì, nuôi con gì cho phù hợp với nhu cầu của thị trường và tận dụng lợi thế đất đai, tiềm năng sẵn có của địa phương là rất quan trọng. Đồng bào nơi đây không còn ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà đã biết chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn”.
Đến xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh bây giờ nhiều người sẽ ngạc nhiên khi chứng kiến sự “thay da đổi thịt” của địa phương này. Những cánh đồng rau sạch hiện ra mơn mởn, xanh ngút ngàn, với đủ các loại rau: Cải thảo, bắp cải, súp lơ, xà lách giòn, ớt chuông, củ cải trắng... Đó là kết quả của dự án nông dân ứng dụng các tiến bộ KHKT nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập, nâng cao đời sống hộ gia đình.
Từ khi dự án rau an toàn do Chính phủ New Zealand tài trợ được triển khai tại Vĩnh Sơn, đời sống gia đình bà Đinh Thị Boi và bà con nơi đây đã khấm khá lên, với trung bình một hộ gia đình canh tác 500 m2 rau sạch, thu nhập được từ 3,5 - 4 triệu đồng/tháng. “Bà con rất vui khi trồng thành công cây rau sạch, được Trung tâm chất lượng nông lâm thủy sản vùng 2 (Đà Nẵng) chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và có siêu thị BigC tiêu thụ ổn định” bà Boi cho biết.
Theo ông Đoàn Vũ Hùng, Chánh thanh tra Ban Dân tộc tỉnh: “Xác định nông, lâm nghiệp, nhất là kinh tế trang trại nông lâm kết hợp, là ngành kinh tế chủ yếu của các huyện miền núi, trong 5 năm qua, tỉnh đã chú trọng triển khai nhiều giải pháp quan trọng như tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ tín dụng ưu đãi... nhờ đó, từng bước đưa sản xuất nông lâm nghiệp phát triển tương đối toàn diện, giúp nhiều hộ gia đình đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo”. Năm 2019, số lượng hộ đồng bào DTTS nghèo ở tỉnh ta là 6.273/10.813 hộ, giảm 621 hộ so với năm 2018. Thu nhập bình quân của vùng đồng bào DTTS đạt gần 21,9 triệu đồng/người/năm.
HỒNG HÀ