XỬ LÝ TÌNH TRẠNG SỬ DỤNG TRÁI PHÉP VỈA HÈ, LÒNG ĐƯỜNG THEO NGHỊ ĐỊNH 100/2019/NÐ-CP:
Chưa có nhiều chuyển biến
Theo Nghị định số 100/2019/NÐ-CP, ngày 30.12.2019 của Chính phủ quy định chế tài cụ thể và mức phạt tiền tương đối cao đối với hành vi sử dụng trái phép vỉa hè, lòng đường đô thị để họp chợ, kinh doanh, mua bán… Nhưng việc xử lý tình trạng này ở các địa phương trong tỉnh vẫn chưa có nhiều chuyển biến.
Vỉa hè, lòng đường Hàm Nghi (phường Ngô Mây) bị chiếm dụng làm nơi buôn bán quần áo và điểm trông, giữ xe.
Trên địa bàn TP Quy Nhơn, tại hầu hết các tuyến đường khu vực nội thành đều xảy ra tình trạng nhiều người lấn chiếm một phần vỉa hè, lòng đường để trưng bày sản phẩm, hàng hóa mua bán; làm nơi trông, giữ xe. Đáng kể nhất là diện tích vỉa hè các tuyến đường, như: Nguyễn Thái Học, Ngô Mây, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ, Phan Bội Châu, Tăng Bạt Hổ… đều bị trưng dụng làm “sở hữu riêng”, không còn lối dành cho người đi bộ.
Khoản 5, Ðiều 12, Nghị định số 100/2019/NÐ-CP quy định cụ thể mức xử phạt đối với hành vi sử dụng trái phép vỉa hè, lòng đường đô thị để họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa; đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo; làm nơi trông, giữ xe; làm mái che hoặc thực hiện các hoạt động khác gây cản trở giao thông… Theo đó, phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng đối với cá nhân và từ 4 - 6 triệu đồng đối với tổ chức khi thực hiện một trong những hành vi này.
Đặc biệt, tất cả những tuyến đường nằm xung quanh khu vực các chợ trung tâm của TP Quy Nhơn, như: Chợ Khu 6, chợ Đầm, chợ Sân Bay, chợ Lớn mới Quy Nhơn…, đều có tình trạng vỉa hè bị chiếm dụng toàn bộ. Không ít người ngang nhiên dựng cột, che lều bạt bao trọn một phần vỉa hè để sử dụng vào mục đích cá nhân. Thậm chí, một số người tràn ra cả lòng đường để buôn bán, giữ xe.
Tại một số địa phương khác trong tỉnh tình trạng chiếm dụng trái phép vỉa hè, lòng đường ở khu vực nội thị làm nơi buôn bán, kinh doanh cũng rất phổ biến. Đáng nói, các khu nội thị, như: Thị trấn Tuy Phước, Diêu Trì (huyện Tuy Phước); phường Bình Định, Đập Đá (TX An Nhơn); thị trấn Phù Mỹ, Bình Dương (huyện Phù Mỹ); thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn)…, có tuyến QL 1A, QL 19 chạy ngang qua nên việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để buôn bán không những làm mất mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra TNGT.
Từ khi Nghị định số 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành đến nay (từ ngày 1.1.2020), có chế tài với mức phạt tiền tương đối cao, nhưng tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường vẫn không giảm.
Giải thích cho thực trạng này, lãnh đạo nhiều địa phương cho rằng, việc triển khai thực hiện quy định gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân chính do ý thức tự giác chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân chưa cao. Họ chỉ dọn dẹp, trả lại vỉa hè khi lực lượng chức năng có mặt làm nhiệm vụ; sau đó tiếp tục tái diễn hành vi vi phạm. Trong khi đó, chính quyền các địa phương và ngành chức năng liên quan không thể đảm bảo lực lượng, cũng như thời gian để có thể ra quân kiểm tra, xử lý thường xuyên được.
Ông Phan Thanh Hiếu, Chủ tịch UBND phường Đập Đá, cho rằng: Chế tài xử phạt đối với hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường kinh doanh, buôn bán đã có, nhưng xử lý triệt để tình trạng này rất khó. Bởi không ít người vi phạm tìm mọi cách đối phó với chính quyền địa phương và lực lượng chức năng liên quan; thậm chí, một số trường hợp còn có lời lẽ xúc phạm lực lượng làm nhiệm vụ.
Trong khi đó, một lãnh đạo Đội quản lý trật tự đô thị TP Quy Nhơn, cho biết: Thời gian trước và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Đội phối hợp với tổ liên ngành của TP Quy Nhơn và lực lượng CA đã nhiều lần ra quân lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường; xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, tình trạng sử dụng trái phép vỉa hè, lòng đường vẫn tiếp diễn. Có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là lý do người lấn chiếm vỉa hè kinh doanh, buôn bán không cần đăng ký kinh doanh, không chịu thuế, không tốn kinh phí thuê mặt bằng mà thu nhập mang lại rất khá nên bất chấp.
Trước thực trạng này, chính quyền các địa phương và ngành chức năng liên quan cần có các biện pháp quyết liệt hơn nữa để giải quyết triệt để tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường kinh doanh, buôn bán, nhằm lập lại mỹ quan đô thị.
VĂN LỰC