Miền Trung duy trì điểm đến an toàn
Trong khi nhiều địa phương tạm dừng các hoạt động du lịch để phòng chống dịch bệnh Covid-19 thì một số điểm tham quan ở miền Trung vẫn nỗ lực đảm bảo an toàn để đón khách, kèm theo các biện pháp xây dựng hình ảnh điểm đến an toàn.
Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng nhiều ngày qua vẫn đón rất đông khách châu Âu đến tham quan. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng được xem là điểm tham quan đông khách và ổn định nhất tại Đà Nẵng thời gian qua. Ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc bảo tàng, cho biết, lượng khách tham quan bảo tàng gần 2 tháng đầu năm 2020 dự kiến giảm từ 30%-40% so với cùng kỳ năm trước, nhưng tinh thần và quyết tâm của đơn vị là đồng hành chống dịch, đồng thời triển khai các biện pháp an toàn để duy trì đón khách đến tham quan. Hàng ngày, ngoài việc thực hiện các biện pháp phòng dịch như phun thuốc khử trùng, hướng dẫn du khách đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên, bảo tàng còn trang bị khẩu trang và dung dịch nước rửa tay cho cán bộ, công nhân viên, nhất là bộ phận bán, soát vé, bảo vệ, thuyết minh - những người tiếp xúc thường xuyên với du khách. Bên cạnh đó, bảo tàng còn sắp xếp phòng chờ dành cho những du khách có biểu hiện ho, sốt trong khu chờ đợi lực lượng phản ứng nhanh đến.
Di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn dù khách Trung Quốc và Hàn Quốc (nguồn khách tham quan chủ yếu) đã giảm mạnh, nhưng ban quản lý di tích vẫn thường xuyên nhắc nhân viên tăng cường trách nhiệm, luôn niềm nở với du khách và không có thái độ kỳ thị.
Xuất phát từ thực tế, lượng khách đặt phòng, tour giảm tới 50%, thậm chí nhiều nơi công suất chỉ đạt 30% so với cùng kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng Cao Trí Dũng đề xuất UBND TP Đà Nẵng hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch vượt qua khó khăn, từng bước ổn định hoạt động kinh doanh bằng một số chính sách cụ thể: giãn thời gian nộp thuế quý IV/2019; miễn, giảm chi phí vé tham quan ở các điểm di tích do thành phố quản lý; có chính sách linh hoạt cho các công ty lữ hành trong việc được hoàn hoặc dời phí đặt cọc vé máy bay đến các thị trường có ảnh hưởng của dịch.
Khác với nhiều điểm tham quan trong khu vực, lượng khách đến tham quan di sản Huế lại ổn định, nhất là khách quốc tế. Cụ thể, ngày 8.2, tổng lượng khách đến tham quan di sản là 7.924 lượt, trong đó 6.368 lượt khách quốc tế; ngày 9.2 có 7.537 lượt, trong đó 6.363 lượt khách quốc tế; ngày 10.2 có tổng cộng 7.180 lượt, trong đó 6.113 lượt khách quốc tế. Chánh Văn phòng Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế Lê Ngọc Sanh nhìn nhận, ngoài yếu tố thị trường khách du lịch, một điều mà Huế đang ghi điểm rất tốt với du khách là công tác phòng chống dịch bệnh. Từ lãnh đạo tỉnh đến từng cơ quan, doanh nghiệp, điểm du lịch và cả người dân đều chung tay. Huế được đánh giá là một trong những điểm đến an toàn tại miền Trung.
Tại Hội nghị bàn giải pháp kích cầu du lịch và các giải pháp để phục hồi sau khi dịch bệnh được khống chế do Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức, các đại biểu cho rằng, để thị trường tăng trưởng trở lại vào mùa cao điểm đón khách quốc tế từ tháng 10.2020 đến tháng 4.2021, thời gian từ tháng 4 đến tháng 9.2020, ngành du lịch phải đẩy mạnh hoạt động quảng bá trong và ngoài nước. Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế Mai Văn Minh đã đưa ra các gói kích cầu du lịch bằng việc miễn, giảm vé tham quan tại các di tích thuộc quần thể di tích Cố đô Huế, để các doanh nghiệp có phương án xây dựng tour tuyến khi đưa khách đến Huế.
Quyền Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế Lê Hữu Minh cho rằng, sở sẽ phối hợp chặt chẽ với đơn vị liên quan xây dựng các gói kích cầu thực sự mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp và du khách. Trên cơ sở các doanh nghiệp du lịch xây dựng mức giá ưu đãi đối với dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận chuyển, Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch tổng hợp, kết hợp với những chương trình ưu đãi của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và các hãng hàng không trong nước, xây dựng một số chương trình tour, gói sản phẩm du lịch với giá cả cạnh tranh nhằm chào bán trong thời gian dịch bệnh diễn biến.
Theo VĂN THẮNG - XUÂN QUỲNH (SGGP)