Cấp dưỡng cho… chồng
Phiên tòa phúc thẩm xử sáng 28.11. Bị đơn, như mọi lần, không có đã đành; phía nguyên đơn, là chị, cũng duy nhất một mình đối mặt với HĐXX. Đây đã lần thứ tư chị một mình xuống TAND tỉnh để theo đuổi vụ kháng cáo án sơ thẩm: kiên quyết không cấp dưỡng cho chồng sau khi ly hôn.
Chị tên Lê Thị Nga, ở làng Hiệp Giao, thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh. Chị và anh Phạm Văn Khá kết hôn năm 2004, có một con chung. Năm 2007, anh Khá bị TNGT, chị Nga phải vay mượn tiền để chữa bệnh cho chồng, mua đất xây nhà. Sau tai nạn, dù có thể làm được công việc nhẹ nhàng, nhưng chồng chị Nga không chịu đi làm, mà chỉ thích uống rượu từ tối đến sáng, không cho vợ buôn bán. Chịu không nổi, chị Nga xin ly hôn.
Theo trình bày của chị, tại phiên tòa sơ thẩm, chị Nga đồng ý nuôi con chung không cần chồng cấp dưỡng, chịu trả toàn bộ số nợ chung của hai vợ chồng (94 triệu đồng), và được sở hữu nhà và đất (trị giá khoảng 60 triệu). Từ lúc vợ đưa đơn xin ly hôn cho đến khi TAND huyện Vân Canh đưa vụ án ra xét xử, anh Khá chưa bao giờ đặt chân đến cổng tòa, và cũng không hề đề nghị vợ phải có nghĩa vụ chu cấp cho mình. Chẳng hiểu sao, TAND huyện vẫn tuyên xử chị Nga phải có trách nhiệm cấp dưỡng cho chồng 200 ngàn đồng/tháng với lý do anh Khá không đủ sức khỏe làm việc.
Thẩm phán chủ tọa phiên tòa hỏi: “Nguyên đơn có rút kháng cáo, đồng ý cấp dưỡng cho chồng hay không?”. Chị vặn xoắn đôi tay chai sần, một lúc, rồi kiên quyết lắc đầu: “Tôi đã nghĩ kỹ lắm rồi. Tôi đã không yêu cầu ảnh chu cấp cho con nhỏ thì thôi, lẽ nào tôi lại phải chu cấp cho chồng trong khi ảnh có thể làm việc được nhưng không chịu làm mà chỉ thích đi uống rượu suốt ngày. Ly hôn, sau này ảnh về ở nhà với cha mẹ, may ra có tu tỉnh được chút nào hay không…”.
Nhân lúc HĐXX tạm nghỉ, nghị án, chị tranh thủ trả lời các cuộc điện thoại cho khách hàng. Sau khi chồng tai nạn, từ vốn liếng 6 con gà mẹ chồng cho ban đầu, chị tập tành nghề mua bán, giết mổ gà. Bạn bè, hàng xóm thông cảm cho hoàn cảnh của chị nên ủng hộ nhiệt tình. Chồng chị, mỗi khi không say sưa cũng biết phụ vợ dọn hàng, chở gà hoặc làm những công việc vặt khác, nhưng khi rượu đã vào lại quên tất cả.
Chị Nga tâm sự: “Sáng sớm ảnh uống một chai rồi làm gì mới làm, từ trưa đến chiều phải thêm vài chai nữa đến mức gục ngay tại chỗ, có lần phải cấp cứu ở bệnh viện. Đã 3 lần ảnh ra chợ đập cân của tôi vì tôi không chịu đưa tiền cho ảnh uống rượu. Tôi ngồi bán phía bên này, bên kia ảnh cứ chửi xối xả. Tôi bỏ ảnh, phía bên chồng chẳng ai nói gì cả. Từ lúc tôi đưa đơn đến khi ly hôn, chưa bao giờ ảnh bước chân đến tòa vì ảnh không hề muốn chia tay. Biết tôi kháng cáo, mẹ chồng bảo con đi làm gì cho mất công, con có đưa cho nó tiền hàng tháng hay không cũng chẳng ai đòi, nhưng tôi thấy nó vô lý quá…”.
Hết giờ nghị án. HĐXX chấp nhận đơn kháng cáo của chị. Theo nhận định của HĐXX, bản án sơ thẩm tuyên buộc chị Nga phải có trách nhiệm cấp dưỡng cho chồng sau ly hôn là trái với Luật Hôn nhân gia đình.
Phiên tòa kết thúc đã lâu, nhưng chị vẫn ngồi nán lại, trần tình nốt những mắc mứu trong lòng: “Kể từ khi ly hôn, vợ chồng tôi vẫn ở chung nhà. Ban đêm, hai mẹ con ra quán ngủ để canh chừng đồ đạc. Bởi ảnh say sưa quá nên tôi muốn vợ chồng dứt khoát về mặt pháp luật, tránh phiền phức dây dưa nếu ảnh lỡ gây ra chuyện gì. Trong thâm tâm, tôi vẫn xác định nếu ảnh đau ốm, bệnh tật, tôi cũng phải có trách nhiệm một phần, dù sao ảnh cũng là cha của con mình mà”.
Chị dắt xe ra khỏi cổng tòa, quày quả về lại Vân Canh. “Giờ tôi đang trên đường về, chừng 1 giờ chiều nay tôi sẽ giao hàng. Bảo đảm gà ngon…”, chị điện thoại với khách, tiếng được tiếng mất giữa phố xá đông người lại qua.
HOÀNG LAN