Nhớ vị thầy thuốc mặc áo vỏ cây
Đến ngày 24 và 25 tháng Giêng hằng năm, nhiều người dân và du khách lại nô nức trẩy hội Chùa Ông Núi (xã Cát Tiến, huyện Phù Cát). Lễ hội hấp dẫn một phần bởi câu chuyện đầy tính hướng thiện về vị thầy thuốc mặc áo vỏ cây. Tương truyền, có người tên Lê Ban đến núi tu hành. Ông dựng một mái chùa bằng cỏ tranh trên đỉnh Chóp Vung (đỉnh cao nhất của dãy núi Bà), sống thanh bần, dùng vỏ cây làm quần áo. Ông còn hết lòng cứu chữa người dân đau ốm trong làng. Do vậy, ngoài việc ăn giỗ, thụ lộc chùa, nhiều người đến đây để tưởng nhớ vị Tổ sư Lê Ban (tức thiền sư Tịnh Giác - Thiện Trì), hay còn gọi là Mộc Y Sơn Nhân (tức “ông núi mặc áo vỏ cây”). Sư Tịnh Giác mất vào năm Thái Đức thứ 8, đời vua Nguyễn Nhạc.
Năm nay, để phòng chống dịch bệnh Covid-19, đảm bảo an toàn cho người dân và du khách, chùa chỉ tổ chức lễ cúng gọn, hạn chế tập trung đông người. Dù quy mô không được lớn như mọi năm nhưng không khí nơi đây vẫn rất ấm cúng.
Mặt khác, đây cũng là dịp tốt để những cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội nói chung, Lễ hội Chùa Ông Núi nói riêng nhìn lại những việc được và chưa được trong tổ chức. Lần này, trách nhiệm của chính quyền và Ban trụ trì chùa, Ban quản lý di tích cũng lớn hơn bao giờ hết. Ngoài việc thực hiện lễ cúng đúng với văn hóa truyền thống, còn phải hết sức cẩn thận để đảm bảo sức khỏe cho người tham gia, tuyên truyền mọi người có ý thức hơn để phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, vì tránh tập trung đông người nên việc buôn bán tại di tích, tình trạng người xin ăn cũng được kiểm soát chặt chẽ hơn. Khi lễ hội buộc phải nghiêm túc, chặt chẽ, đúng quy củ, tất cả chúng ta sẽ có thêm thời gian, suy tưởng để đằm sâu hơn, thành kính hơn khi nhớ về tiền nhân và tìm đến cốt lõi nguyên thủy của lễ hội - ấy chính là tinh thần khuyến thiện và san sẻ với nhau những gì có thể.
THẢO YÊN