Nâng cao chất lượng xét xử của ngành tòa án:
Hạn chế lỗi chủ quan của thẩm phán
Án bị hủy, cải sửa nghiêm trọng do lỗi chủ quan của thẩm phán, án quá hạn do các cơ quan chức năng phối hợp không tốt là những tồn tại cần được khắc phục của ngành tòa án tỉnh trong thời gian tới.
Theo thống kê, trong 8 năm qua (từ đầu năm 2006 đến tháng 10.2013), tổng số án của TAND tỉnh bị cấp trên hủy là 43/6.296 vụ (0,68%), án bị cải sửa nghiêm trọng có 3 vụ; án cấp huyện bị tòa tỉnh hủy là 225/32.286 vụ (0,69%), án bị cải sửa nghiêm trọng: 81 vụ.
Từ lỗi chủ quan của thẩm phán
Theo nhận định chung của ngành tòa án tỉnh, án bị hủy hoặc cải sửa nghiêm trọng chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân tòa án thu thập chứng cứ không đầy đủ, đánh giá chứng cứ không toàn diện.
Ngoài ra, chất lượng giải quyết, xét xử án của một số ít thẩm phán cấp huyện còn thiếu sót do không nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật, dẫn đến sai sót trong quá trình áp dụng pháp luật. Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát HĐND tỉnh về tình hình cải cách tư pháp ngành tòa án theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị mới đây, ông Đặng Thành Thái, Phó Chánh án TAND tỉnh, nhận định: “Phần lớn án bị hủy đều do lỗi chủ quan của thẩm phán như xác định người tham gia tố tụng không đầy đủ hoặc không mời kiểm sát viên tham gia các phiên tòa mà theo quy định bắt buộc cần phải có…”.
Ông Trần Văn Thạnh, Trưởng phòng Giải quyết khiếu tố, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành viên của Đoàn giám sát, cũng cho biết thêm: “Thời gian qua có một số trường hợp án tuyên không rõ ràng hoặc không nhất quán trong đường lối xét xử đang làm khó cho công tác thi hành án. Đơn cử vụ án tranh chấp dân sự giữa hai cô cháu ở sát nhà nhau (người cô ở phần phía trước, người cháu ở phía sau nhà cô) ở huyện Tây Sơn. Cô kiện cháu về hành vi cản trở bà xây dựng bếp, ngược lại, cháu kiện cô, yêu cầu phải giải quyết lối đi cho mình”. Một vụ án nhưng tòa án hai cấp ra hai quyết định trái ngược nhau: một buộc người cháu không được có hành vi cản trở người cô xây dựng bếp; một lại công nhận quyền có lối đi của người cháu. Dư luận băn khoăn không biết ai đúng, ai sai…
Một số thành viên trong Đoàn giám sát còn phản ánh tình trạng đơn thư tố cáo, khiếu nại vì không đồng tình với quan điểm xét xử một số tòa địa phương gây bức xúc trong dư luận. Thượng tá Lê Văn Phương, Phó Chánh văn phòng Cơ quan CSĐT CA tỉnh, thành viên Đoàn giám sát HĐND tỉnh, ý kiến: “Chúng tôi từng nhận một số đơn thư khiếu nại liên quan đến lãnh đạo TAND huyện Hoài Nhơn, huyện Tuy Phước. Do vậy, TAND tỉnh cần tăng cường thanh tra, hướng dẫn tòa án cấp dưới để tránh tình trạng khiếu kiện”.
Định giá tài sản, giám định tư pháp: còn vướng mắc
Theo phản ánh chung của một số cơ quan tòa án, hiện nay việc thu thập chứng cứ trong án dân sự, hôn nhân gia đình còn nhiều khó khăn. Khi cơ quan tòa án yêu cầu cơ quan, tổ chức quản lý, lưu giữ chứng cứ cung cấp chứng cứ nhưng chậm được phúc đáp, nhất là các cơ quan lưu giữ, quản lý tài liệu về nhà đất. Theo phản ánh của lãnh đạo TAND huyện Hoài Nhơn, nhiều trường hợp đòi lại đất tư cũ, vốn việc xác định nguồn gốc đất đã rất phức tạp, mất thời gian; lại thêm việc chậm phúc đáp các chứng cứ, tài liệu về nhà đất của cơ quan chức năng càng làm chậm quá trình giải quyết án dân sự, tranh chấp về nhà đất tại địa phương này.
Ông Đặng Thành Thái, Phó Chánh án TAND tỉnh, cũng cho rằng, sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong thẩm định, định giá tài sản, giám định tư pháp, đo đạc hiện trạng còn nhiều vướng mắc, nhất là trong việc thu thập chứng cứ trong án dân sự, hôn nhân gia đình. Việc mời các cơ quan liên quan đến nhà đất, tài chính, và cơ quan cấp huyện tham gia định giá, xem xét thẩm định tại chỗ tài sản đang tranh chấp còn khó khăn. Để tăng cường chất lượng xét xử, TAND tỉnh đang tiếp tục tăng cường đội ngũ thẩm phán, thư ký ở tòa án cấp huyện và tỉnh.
Để hạn chế những vướng mắc trên, ông Phạm Hồng Sơn, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát, khuyến nghị TAND tỉnh cần kiến nghị với UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng có nhiệm vụ cung cấp chứng cứ, tài liệu khi tòa án có yêu cầu; yêu cầu thẩm phán phải có nghĩa vụ giải thích quyền lợi và nghĩa vụ của đương sự ngay từ khi thụ lý vụ án để họ biết mà thực hiện cho đúng. Ngoài ra, để hạn chế lỗi chủ quan của thẩm phán khi xét xử, ngành cần tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ và thanh, kiểm tra đối với tòa cấp dưới, đồng thời tổ chức rút kinh nghiệm các trường hợp án bị hủy.
THU HÀ
còn chưa thấy nhắc tới : ÁN BỎ TÚI _ chưa xử mà đã có sẵn bản án , nên luật sư có cãi mấy cũng thua quan tòa