Xây dựng nét đẹp quê hương
Lễ hội Ðô thị Nước Mặn (xã Phước Quang, huyện Tuy Phước) được tổ chức vào ngày cuối tháng Giêng và 2 ngày đầu tháng 2 âm lịch hằng năm đã trở thành niềm tự hào của người dân địa phương. Khi huyện Tuy Phước phối hợp với Sở VH&TT hoàn thành hồ sơ để trình Bộ VH-TT&DL đề nghị công nhận lễ hội là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, thông tin này được người dân đón nhận nồng nhiệt.
Chùa Bà, nơi diễn ra phần chính lễ của Lễ hội Đô thị Nước Mặn.
Không tự nhiên mà có câu: Tháng Giêng xem hội chùa Ông/ Mà lòng nhấp nhổm chờ mong hội Bà/ Ai đi buôn bán nơi xa/ Lo về kịp hội quê nhà thường niên. Lễ hội Đô thị Nước Mặn hay như nhiều người quen gọi là hội Chùa Bà là ngày tết thứ hai của người dân nơi đây, thậm chí ngày này mới thật sự là ngày của đoàn tụ.
Ngày tết quê hương
Tôi đã được nghe nhiều câu chuyện tốt đẹp, thú vị về Lễ hội Đô thị Nước Mặn, như chuyện người dân thường chuẩn bị cỗ, gói bánh chưng, bánh tét đãi khách, con cháu từ xa cũng trở về chung vui. Có nhiều điều xưa cũ không bắt nhịp được với đời sống hiện đại, buộc phải mất đi, phai nhạt dần. Nhưng những điều thú vị của hội Chùa Bà thì không hề mai một.
Bà Huỳnh Thị Mai, người dân thôn An Hòa, xã Phước Quang, cho biết: Xưa nay vẫn vậy, dù bận bịu thế nào tới ngày này mà ai không về là lòng nao nao không chịu được. Chúng tôi ở đây vẫn luôn mong đợi ngày này con cháu về thắp cho ông bà nén hương, đoàn tụ cùng bà con; Tết thậm chí nhiều khi còn không vui bằng Hội vì lẽ đến hội chúng tôi còn đón nhiều khách phương xa. Do vậy, bánh chưng, bánh tét luôn sẵn trong nhà, người nhiều việc không gói được thì mua để có cái mà đãi khách.
Lễ nghinh thần rước sắc ở Lễ hội Đô thị Nước Mặn.
Năm nay, để phòng ngừa dịch bệnh Covid-19, Ban quản lý di tích chỉ tổ chức lễ cúng Bà. Dù vậy, không khí rộn ràng nơi đây không có gì thay đổi. Ông Nguyễn Văn Chín, Trưởng Ban quản lý di tích Chùa Bà, cho hay: Dù không đón khách những ngày chính lễ nhưng mọi nhà vẫn chuẩn bị để đón con cháu và khách phương xa đến. Đồng thời, người dân xung quanh Chùa Bà cũng góp công góp sức dọn dẹp, trang hoàng khuôn viên chùa.
Với niềm tự hào và lòng thành kính, tự xa xưa, người dân trong vùng bảo vệ, giữ gìn Chùa Bà như nhà của mình. Do vậy, khi đến với lễ hội, du khách cảm nhận được sự nhẹ nhàng, gần gũi bắt đầu từ sự thân thiện của cư dân địa phương.
Từ niềm tự hào
Năm nay khuôn viên Chùa Bà được mở rộng, cùng với đó, đền Quan Thánh (còn gọi là Chùa Ông) cũng xây dựng gần xong, chỉ còn phần sân đền. Ông Nguyễn Văn Chín cho biết thêm: Trong chiến tranh, Chùa Ông, Chùa Bà đều bị tàn phá. Những năm qua, chúng tôi cố gắng tu sửa Chùa Bà khang trang nhưng Chùa Ông thiệt hại quá nặng nên chưa thể xây dựng lại. Khách đến lễ chùa mỗi năm mỗi đông, vừa rồi, tỉnh và huyện làm hồ sơ đề nghị Trung ương công nhận Lễ hội Đô thị Nước Mặn là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia nên chúng tôi nỗ lực kêu gọi mọi người cùng xây dựng lại Chùa Ông…
Không chỉ có Chùa Ông, một số công trình khác như: Nghĩa tự (nơi thờ những người có công xây dựng chùa), khu nhà ăn, khu vệ sinh, lát nền sân, trồng cây cũng vừa hoàn thành.
Tết Nguyên đán vừa rồi, lượng khách đến chùa Bà rất đông. Ngoài những câu chuyện cũ, với niềm tự hào, năm nay người dân còn kể cho du khách nghe về Lễ hội Đô thị Nước Mặn ở góc độ là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia trong tương lai. Ông Võ Tuấn Khanh, Trưởng Phòng VH&TT, Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT huyện Tuy Phước, cho biết: Hồ sơ đã hoàn thành, có lẽ khoảng cuối năm nay sẽ có kết quả. Hiếm có di sản nào mà người dân lại mong đợi như di sản này, và đây cũng là cơ hội để nâng tầm lễ hội.
● Năm nay địa phương không tổ chức Lễ hội Ðô thị Nước Mặn mà chỉ tổ chức cúng Bà, trong 3 ngày chính lễ vào cuối tháng Giêng và 2 ngày đầu tháng 2 âm lịch (tức ngày 22 - 24.2) và sẽ không đón khách. Những ngày còn lại, chùa Bà vẫn mở cửa để người dân, du khách thắp hương. Khuôn viên chùa vẫn thường xuyên được khử trùng, ngoài ra, Ban quản lý di tích cũng đã chuẩn bị 2.000 khẩu trang y tế cho dịp lễ cúng sắp tới.
● Lễ hội Nước Mặn gắn liền với di tích Chùa Bà. Ðây là một trong những lễ hội cổ truyền có quy mô lớn và ra đời sớm nhất ở Bình Ðịnh, cách đây gần 4 thế kỷ. Khi cảng thị Nước Mặn bước vào thời kỳ phồn vinh, người Hoa ở Quảng Ðông, Phúc Kiến giong thuyền sang xin Chúa Nguyễn nhập cư mở phố buôn bán cùng người Việt, lập Chùa Ông và Chùa Bà ở thôn An Hòa. Lễ hội Nước Mặn được tổ chức ở Chùa Bà. Lễ hội Nước Mặn đánh dấu sự phồn vinh của cảng thị cũng như thể hiện tinh thần dung hợp văn hóa Việt - Hoa.
THẢO KHUY