Cùng con đi qua mùa dịch
Trong tình hình con em phải nghỉ học dài ngày vì dịch Covid-19, sau ít nhiều lúng túng thời gian đầu, những gia đình có con nhỏ đã dần thích nghi, thu xếp ổn thỏa để đảm bảo cả hai việc riêng - chung. Một số gia đình còn khéo léo tận dụng kỳ nghỉ dài ngày “bất đắc dĩ” thành dịp trải nghiệm hữu ích.
Gia đình “tự thân vận động”
Với nhiều gia đình có con nhỏ mà không có nhà nội, ngoại ở gần, đợt nghỉ tuần đầu tiên, đa phần cha, mẹ luân phiên nghỉ phép để trông con. Những gia đình có con ở độ tuổi tiểu học thì dùng giải pháp tình thế là lắp đặt camera để quan sát khi cho ở nhà một mình, đồng thời thường xuyên gọi điện thăm chừng, dặn dò con những kỹ năng cơ bản.
Mỗi gia đình đều tìm cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe các thành viên. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, cùng với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thời gian nghỉ học kéo dài đến hết tháng 2, phụ huynh đã chủ động tìm đến những cách đảm bảo hơn. Trong đó, giải pháp gửi con về quê cho ông bà, anh chị em ruột hay đón ông bà vào nhà chơi và chăm cháu là lựa chọn phổ biến, yên tâm nhất của nhiều gia đình. Chị Lê Thị Hà, ở KV 5, phường Lý Thường Kiệt (TP Quy Nhơn), công nhân tại một DN ở Khu Kinh tế Nhơn Hội, cho biết: “Trong tuần đầu thay nhau nghỉ phép để trông 2 con, chúng tôi đã bàn nhau nếu tiếp tục nghỉ thì gửi con về ngoại, đồng thời nói trước với nhà ngoại lẫn 2 cháu để biết chừng. Có ông bà chăm con giúp, chúng tôi yên tâm đi làm. Về quê không khí trong lành, các cháu có dịp gần gũi ông bà, vừa hạn chế đi lại, tiếp xúc trong khi dịch bệnh diễn biến phức tạp”.
Không chỉ trong tỉnh, nhiều gia đình trẻ là người Bình Định hiện làm việc ở TP Hồ Chí Minh hay các tỉnh, thành khác cũng chấp nhận đi lại tốn kém, nhất là nỗi nhớ khi xa con dài ngày để mang con về quê tránh dịch và yên tâm công tác.
Giáo viên, nhà trường hỗ trợ
Đối với học sinh THCS, khuyến khích con làm việc nhà và giao bài tập, phối hợp chặt chẽ cùng thầy, cô giáo của con nhằm tránh hệ quả từ việc nghỉ học kéo dài là điều mà nhiều phụ huynh quan tâm. Dù việc thực hiện hiệu quả là không dễ, song hầu hết cha mẹ đều cố gắng, vì con và vì trách nhiệm chung trong phòng, chống dịch bệnh.
Hiệu trưởng Trường THCS Đống Đa (TP Quy Nhơn), ông Trần Ngọc Hòa, cho biết: Nhà trường giao nhiệm vụ cho giáo viên chủ nhiệm cập nhật, thông tin chính xác tình hình dịch bệnh và tuyên truyền đến phụ huynh, học sinh. Trong đó, giáo viên thường xuyên liên lạc, nhắc nhở các em bảo vệ sức khỏe, không tụ tập chỗ đông người, bên cạnh đó, giao bài tập cho các em thông qua nhóm của lớp trên mạng xã hội.
Tạo niềm vui từ kỳ nghỉ
Tình cờ nhặt được một tàu lá dừa khi đi đường, chị Trần Thị Thùy Dung (phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn) nảy ra thú vui mới cho hai cô con gái nhỏ đang nghỉ học 3 tuần để tránh dịch Covid-19. Hai cô bé rất thích thú khi thấy ba mẹ trổ tài, từ những lá dừa thành đồng hồ, chong chóng, con rết… Chị Dung chia sẻ: “Vợ chồng đều là công chức, giờ giấc không thể linh hoạt, để đảm bảo việc nhà và việc cơ quan mỗi người đều phải nỗ lực nhiều. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, khi con ở nhà thì cả gia đình có thời gian bên nhau nhiều hơn, cha mẹ được hiểu con hơn”.
Theo ông Nguyễn Phương Nam, Trưởng phòng GD&ĐT TP Quy Nhơn, hiện nay, nhiều gia đình có máy tính kết nối internet nên việc hướng dẫn học sinh tự học ở nhà khá thuận lợi. Giáo viên đã thực hiện việc gửi bài tập cho học sinh thông qua email hoặc qua mạng xã hội. Để giúp học sinh củng cố kiến thức trong thời gian nghỉ, Phòng GD&ĐT TP Quy Nhơn khuyến khích các nhà trường sử dụng tin nhắn, email liên tục trao đổi các nội dung cần ôn tập tại nhà nhằm giúp cha mẹ quản lý học sinh.
Nhiều người chia sẻ rằng, việc học sinh phải nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19 là khó khăn chung, do khách quan nên nhà nào cũng phải nỗ lực để khắc phục. Điều quan trọng là mỗi người cần phải suy nghĩ tích cực và linh hoạt tìm giải pháp ứng phó.
VĂN LƯU - SAO LY