Tự chế nước rửa tay sát khuẩn phòng, chống dịch Covid-19
Một số đơn vị, trường học, cá nhân căn cứ vào công thức dung dịch chà tay theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, tự điều chế, sản xuất dung dịch sát khuẩn tay để sử dụng và tặng người dân. Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn, sản phẩm pha chế chỉ phát huy hiệu quả tốt nhất khi đảm bảo nhiều yếu tố khắt khe, người sử dụng không nên chủ quan.
Sau khi có kết quả kiểm định chính thức từ Trung tâm kiểm nghiệm (Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa), Trường ĐH Quy Nhơn mới sử dụng nước rửa tay sát khuẩn tự sản xuất.
Với mong muốn chung tay cùng xã hội phòng chống dịch bệnh Covid-19, khoa Khoa học Tự nhiên Trường ĐH Quy Nhơn đã pha chế dung dịch nước rửa tay sát khuẩn theo hướng dẫn của WHO và sử dụng miễn phí trong nội bộ Nhà trường. Dù đã tiến hành kiểm định nội bộ nhưng chỉ sau khi nhận được kết quả kiểm định ngoài từ Trung tâm kiểm nghiệm Sở Y tế Khánh Hòa Trường ĐH Quy Nhơn mới bắt đầu sử dụng. Theo Trưởng khoa Khoa học Tự nhiên của trường - TS Nguyễn Lê Tuấn, mọi công đoạn pha chế được tiến hành trong phòng thí nghiệm đảm bảo vệ sinh, an toàn cháy nổ; dung dịch pha chế sử dụng các hóa chất y tế, tỉ lệ pha chế và đánh giá chất lượng sản phẩm đều thực hiện theo hướng dẫn của WHO. Ngoài ra, sản phẩm còn được kiểm tra có bị nhiễm vi sinh vật có hại trong quá trình sản xuất hay không và đánh giá khả năng diệt một số vi khuẩn gây hại phổ biến. TS Tuấn cho biết: “Có những vi khuẩn trong điều kiện không thuận lợi sẽ tạo thành những bào tử mà cồn không diệt được. Do đó, khi pha chế dung dịch rồi đóng chai cần giữ khoảng thời gian 72 giờ mới sử dụng, đây là khoảng thời gian oxi già (H2O2) trong dung dịch diệt các bào tử (nếu có)”.
Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ phát huy thế mạnh đội ngũ giáo viên chuyên ngành Công nghệ sinh học và hệ thống phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế (theo tiêu chuẩn của Australia), thiết bị dụng cụ hiện đại nên mọi khâu khử trùng, đong, đo, tỷ lệ pha chế đều được thực hiện chính xác theo đúng tỷ lệ quy định trong quá trình tự sản xuất nước rửa tay sát khuẩn. Sản phẩm do Th.S Nguyễn Thị Hải Lý, Phó Trưởng khoa Nông lâm của trường cùng nhóm giảng viên đầy tâm huyết trực tiếp thực hiện mọi khâu của quá trình pha chế, đánh giá kỹ lưỡng về chất lượng và hiệu quả.
Th.S Nguyễn Thị Hải Lý chia sẻ: “Dung dịch rửa tay sát khuẩn của trường được làm ở dạng đặc (gel) để tiết kiệm hơn khi sử dụng. Ngoài những thành phần bắt buộc theo công thức Tổ chức Y tế thế giới công bố, chúng tôi còn cho thêm tinh dầu để tạo mùi thơm và làm mịn da tay”.
Phát huy thế mạnh với hệ thống phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế, Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ tự sản xuất nước rửa tay sát khuẩn cung cấp cho cán bộ, giảng viên, sinh viên và người dân.
Ngoài hai đơn vị tiến hành quy trình khá bài bản trên, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh còn có một số đơn vị, tổ chức, cá nhân căn cứ vào công thức dung dịch chà tay theo khuyến cáo của WHO để tiến hành tự pha chế dung dịch sát khuẩn tay. Kết quả khảo sát đến nay, chưa có phản ánh nào về trường hợp bị dị ứng bất lợi, nhưng hiệu quả sử dụng đến đâu thì không ai có thể đoán chắc.
Dược sĩ Châu Văn Sơn, Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược (Sở Y tế) cho rằng, khi sản phẩm chưa được các cơ quan chức năng thực hiện kiểm nghiệm chất lượng và chưa được đăng ký lưu hành theo đúng quy định hiện hành thì chưa đánh giá được hiệu quả của sản phẩm. “WHO đã đưa ra 2 công thức dung dịch chà tay. Hiện nay, đa phần thực hiện theo công thức 1 với nguyên liệu chính là Ethanol 96%, Hydrogen peroxide 3% và Glycerol 98%. Tuy nhiên, để thực hiện đúng khuyến cáo của WHO, nơi sản xuất phải đáp ứng rất nhiều điều kiện quan trọng khác liên quan đến kiểm nghiệm, đánh giá đầu vào nguyên liệu, nước, chai, hộp đựng, cơ sở vật chất, quy định pháp lý... Điều này đòi hỏi người thực hiện phải có chuyên môn, hiểu biết các quy định hiện hành của nhà nước về lĩnh vực này”, dược sĩ Sơn trao đổi.
Nhiều nhà chuyên môn cho rằng, công thức chỉ là khuyến cáo của WHO, nếu đơn giản quá thì không cần đến những dược sĩ, kỹ sư, nhà sản xuất và không có nhiều trường hợp các cơ sở sản xuất dung dịch sát khuẩn tay giả bị bắt đã được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng. Ông Sơn khẳng định, việc sử dụng dung dịch sát khuẩn tay nhanh là cần thiết, tuy nhiên điều người dân hết sức lưu ý là việc rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng (thời gian rửa tay ít nhất là 20 giây/lần) là một trong những biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Hãy thực hiện theo các hướng dẫn được công bố rộng rãi trong thời gian qua của Bộ Y tế và Sở Y tế để phòng dịch.
NGỌC TÚ