Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh: Tuyên truyền pháp luật sâu rộng, đa dạng
Năm 2019, các cơ quan thành viên của Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật đồng bộ, sâu rộng. Qua đó, ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân từng bước được nâng cao, đảm bảo hiệu lực thực thi pháp luật.
Tuyên truyền pháp luật qua hình thức sân khấu hóa mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.
- Trong ảnh: Một tiểu phẩm tại Cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” năm 2019.
Ông Lê Văn Toàn, Giám đốc Sở Tư pháp - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) tỉnh, nhìn nhận: Những năm qua, công tác PBGDPL đã và đang khẳng định vị trí, vai trò ngày càng quan trọng trong đời sống xã hội. Các sở, ban, ngành, địa phương tích cực đổi mới nội dung, đa dạng hình thức PBGDPL; tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ và nhân dân. Qua đó, ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của cán bộ và công dân từng bước được nâng cao; hiệu quả thực thi pháp luật ngày càng rõ nét.
Năm 2019, các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung tuyên truyền, phổ biến các luật, văn bản luật, nghị định mới ban hành, có hiệu lực; liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, DN. Trong đó, chú trọng đến các lĩnh vực như: Cải cách hành chính; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; khiếu nại, tố cáo; bảo vệ môi trường; an toàn vệ sinh thực phẩm; ATGT; pháp luật về biển, đảo; các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm…
Hoạt động PBGDPL được tổ chức bằng nhiều hình thức như tuyên truyền trực tiếp (hơn 4.470 cuộc, gần 622 nghìn người tham dự); biên soạn, phát hành tài liệu tuyên truyền pháp luật (gần 984 nghìn bản tài liệu); tổ chức 158 cuộc thi tìm hiểu pháp luật thông qua hình thức viết bài tìm hiểu, sân khấu hóa, thi trực tuyến… thu hút hàng trăm nghìn lượt người tham gia.
Đặc biệt, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật dưới hình thức sân khấu hóa mang lại hiệu quả thiết thực trong PBGDPL. Năm 2019, Sở Tư pháp, CA tỉnh và nhiều sở, ngành, địa phương tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền pháp luật bằng hình thức này. Trong đó, đáng kể như Cuộc thi “Hòa giải viên giỏi”; Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về nghĩa vụ quân sự”; Hội thi “Chung tay xây dựng nông thôn mới”; Cuộc thi “Rung chuông vàng”…
Bà Hồ Mỹ Ngọc Chân, Trưởng Phòng PBGDPL - Sở Tư pháp, nhận xét: “Dưới hình thức sân khấu hóa, các buổi PBGDPL kích thích sự tò mò, thu hút nhiều người dân tham gia và dễ “ngấm” hơn. Qua đó, tuyên truyền sâu rộng, khuyến khích các tầng lớp nhân dân tìm hiểu, nắm vững kiến thức pháp luật, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật”.
Bên cạnh đó, hoạt động tuyên truyền pháp luật thông qua các phiên tòa giả định cũng mang lại nhiều tín hiệu tích cực. Năm qua, TAND tỉnh, Viện KSND tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức hơn 30 phiên tòa giả định, thu hút hàng chục nghìn lượt người tham dự. Qua hoạt động này, các ngành chức năng đã lồng ghép PBGDPL về các quy định trong việc xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm; các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm và giải pháp phòng ngừa tội phạm.
Ông Đỗ Tấn Phước, Trưởng Phòng 1 - Viện KSND tỉnh, cho biết: Tham dự các phiên tòa giả định, mọi người đều lôi cuốn vào từng tình tiết vụ án; chăm chú theo dõi từ cáo trạng đến quá trình xét hỏi, tranh luận giữa luật sư và đại diện viện kiểm sát; việc tuyên án của chủ tọa phiên tòa. Mặt khác, kiểm sát viên trực tiếp tương tác với người tham gia qua hình thức hỏi - đáp tình huống pháp lý liên quan đến các quy định của pháp luật về dân sự, giao thông, ma túy… Qua đó, người dự khán sôi nổi tham gia trả lời và được giải thích cụ thể một số thắc mắc, giúp họ dễ hiểu, dễ nhớ.
Ngoài ra, hình thức tuyên truyền pháp luật trực tiếp - “đi tận ngõ, gõ tận nhà” - cũng được nhiều cơ quan thành viên của Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh thực hiện. Trong đó, đáng chú ý có hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) lưu động của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh (thuộc Sở Tư pháp). Đến nay, 159 xã với hàng nghìn thôn, làng trên địa bàn tỉnh đều được những người làm công tác TGPL “mang luật” đến với người dân. Riêng năm 2019, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh tổ chức 154 cuộc TGPL lưu động tại các xã đặc biệt khó khăn, bãi ngang, ven biển trên địa bàn tỉnh có gần 5.350 lượt người tham dự.
Theo ông Lê Thành Trung, Quyền Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh: Đối với người dân ở các xã miền núi, vùng biển, những khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống chủ yếu do trình độ dân trí, kiến thức pháp luật còn hạn chế. Hoạt động TGPL lưu động với các buổi sinh hoạt chuyên đề pháp luật trực tiếp ở khu dân cư góp phần tích cực trong việc “gỡ” những vướng mắc; giúp hòa giải nhiều vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn kéo dài, giảm đơn thư khiếu nại vượt cấp.
VĂN LỰC