Hướng tới bệnh viện không giấy
TTYT TX An Nhơn là đơn vị đầu tiên trong tỉnh triển khai thí điểm bệnh án điện tử thay bệnh án giấy. Sự thay đổi này đã nhận được nhiều phản hồi tích cực.
Theo Thông tư 46/2018/TT-BYT của Bộ Y tế quy định hồ sơ bệnh án điện tử, từ năm 2019 - 2023, các bệnh viện hạng 1 trở lên chủ động nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin tại cơ sở để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Giai đoạn 2 từ năm 2024 - 2028, tất cả cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.
Dành thời gian cho bệnh nhân
Bác sĩ Lê Thái Bình, Giám đốc TTYT TX An Nhơn, cho biết: Để triển khai bệnh án điện tử, bệnh viện đã hoàn thiện các phần mềm liên quan. Triển khai thí điểm vào tháng 6.2019, trong 3 tháng đầu, bệnh viện thực hiện tại khoa Ngoại, Y học cổ truyền, Hồi sức cấp cứu. Chúng tôi mở nhiều lớp đào tạo để các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, nhân viên… trong bệnh viện biết cách thao tác, vận hành, sử dụng bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy. Đến nay, chúng tôi đã triển khai bệnh án số hóa - bước đầu của bệnh án điện tử, cho tất cả các khoa phòng, hướng tới sẽ thực hiện bệnh án điện tử một cách đầy đủ để có thể thay thế bệnh án giấy”.
100% bệnh án của bệnh nhân tại khoa Hồi sức cấp cứu, TTYT TX An Nhơn đều thực hiện trên máy tính, nên công việc hành chính sự vụ giải quyết rất nhanh chóng.
Bác sĩ Đỗ Ngọc Hoàng, khoa Ngoại, cho biết: Trước đây khi khám xong cho bệnh nhân, bác sĩ sẽ ghi diễn tiến bệnh, chỉ định thuốc, xét nghiệm… vào bệnh án giấy. Khi có kết quả chụp phim hay xét nghiệm của khoa xét nghiệm trả về, bác sĩ sẽ dán vào bệnh án, ghi kết quả xét nghiệm vào bệnh án giấy. Một ca trực, bác sĩ phải dành nhiều thời gian cho những việc này. Việc thực hiện số hóa bệnh án giúp thông tin của bệnh nhân được lưu trữ, quản lý, tìm kiếm thuận tiện hơn, tránh tình trạng sai sót trong việc thống kê, sai số lượng thuốc... Bệnh nhân hài lòng, bác sĩ cũng đỡ vất vả!
Còn tại khoa Hồi sức cấp cứu, bác sĩ Hồ Văn Bằng cho biết, khoa thường xuyên đón những bệnh nhân nặng, nhưng chỉ có 2 bác sĩ. Nhờ thực hiện bệnh án trên máy tính nên những chi tiết liên quan đến hành chính giải quyết rất nhanh. Ví dụ, trước đây, mỗi ngày trực, điều trị, cấp cứu cho 10 bệnh nhân bác sĩ phải “ôm” 10 bộ bệnh án giấy, thì nay mọi thông tin sẵn có đầy đủ trên máy tính, rất thuận tiện.
Chị Lê Thị Ánh Hồng, Điều dưỡng trưởng khoa Ngoại, bộc bạch: Khoa có 12 điều dưỡng, 16 giường bệnh nhưng số bệnh nhân luôn nhiều hơn gấp đôi. Buổi sáng sau khi bác sĩ kê thuốc, chỉ định cận lâm sàng trong bệnh án giấy, điều dưỡng phải dò, nhập thông tin vào phần mềm quản lý bệnh viện, sau đó in ra, hướng dẫn bệnh nhân đi thực hiện cận lâm sàng. Với bệnh án điện tử, đỡ nhất là phần lãnh thuốc. Trước đây bác sĩ ghi lên bệnh án giấy cho thuốc gì, điều dưỡng phải nhìn vào bệnh án giấy rồi đánh máy, in phiếu thuốc. Đó là chưa kể, trong quá trình điều trị, nếu bác sĩ có thêm chỉ định thì điều dưỡng tiếp tục lặp lại công việc như trên. Cuối giờ chiều, điều dưỡng phải ngồi lại để ghi chép diễn tiến, dùng thuốc của bệnh nhân, tốn rất nhiều thời gian. Nay điều dưỡng không phải đánh lại tên thuốc và in phiếu ra mà chỉ y lệnh, kết nối tổng hợp thuốc. Làm bệnh án trên máy tính chúng tôi giảm hẳn thời gian cho những việc có tính sự vụ để tập trung chăm sóc bệnh nhân.
Cần lộ trình thực hiện
Từ thực tế triển khai, bác sĩ Lê Thái Bình khẳng định, việc làm bệnh án điện tử là bước đột phá quan trọng để chuyển đổi số hóa bệnh viện nói riêng, toàn ngành Y tế nói chung, từng bước ứng dụng và phát triển y tế thông minh. Từ kết quả bước đầu của số hóa bệnh án, năm nay TTYT An Nhơn tiếp tục hoàn chỉnh bệnh án điện tử.
Dẫu vậy, sau hơn nửa năm triển khai thực hiện, vẫn còn nhiều khó khăn. Hiện tại, đầu tư về công nghệ thông tin cho hoạt động khám, chữa bệnh của đơn vị khá lớn, nhưng chi phí đầu tư này chưa được tính vào khung giá dịch vụ y tế. Nếu sắp tới thực hiện cả chữ ký điện tử cho bác sĩ, sẽ còn khó khăn hơn.
Để triển khai bệnh án điện tử, TTYT TX An Nhơn phải đồng bộ tất cả các khâu liên quan trên hệ thống của mình. Không chỉ có vậy, phần mềm để vận hành bệnh viện phù hợp với bệnh án số mà TTYT TX An Nhơn đang dùng là phiên bản 6.0, nhưng nhiều đơn vị khác có liên quan đều đang sử dụng phiên bản thấp hơn - 3.0. Để phát huy hiệu quả cả hệ thống buộc phải nâng cấp. “Yếu tố đồng bộ rất quan trọng, ví dụ khi triển khai hệ thống PACS dữ liệu chẩn đoán hình ảnh sẽ liên thông, rất tiện lợi. Nhưng như vậy sẽ vướng về thanh toán với BHYT. Liên thông thì không có phim, không có phim thì BHYT từ chối thanh toán”, ông Bình chia sẻ.
Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng khẳng định, việc triển khai bệnh án điện tử là bắt buộc, phải thực hiện theo lộ trình của Bộ Y tế, và vì những lợi ích mà nó mang lại cho thầy thuốc lẫn bệnh nhân. Thành công bước đầu của TTYT An Nhơn là rất quan trọng cho việc triển khai rộng trong toàn ngành. Tuy nhiên, việc triển khai phải thận trọng, chặt chẽ và đảm bảo an toàn, bảo mật về thông tin. Khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là kinh phí, do chi phí đầu tư cho công nghệ thông tin chưa được tính vào giá dịch vụ y tế, trong khi khoản này khá lớn. Ngoài ra, việc lựa chọn phần mềm thích hợp để triển khai bệnh án điện tử sao cho việc kết nối liền mạch, thông suốt vẫn là một thách thức đối với các cơ sở y tế.
THU HIỀN