Tái diễn nạn ăn xin trên đường phố
Thời gian qua, TP Quy Nhơn đã có những biện pháp giải quyết hiệu quả tình trạng ăn xin trên đường phố. Tuy nhiên gần đây, nhất là từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý đến nay, tình trạng này tái diễn. Hầu hết người đi xin theo nhóm từ 5 đến 7 người, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Có một số người đi xin dưới dạng người nhà bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện. Họ thường tập trung xin tiền ở các giao lộ có đèn tín hiệu giao thông, đông người qua lại, tại các quán ăn, cà phê; đông nhất tại các cổng chùa vào ngày rằm, mùng 1 âm lịch.
Người ăn xin được đưa về cơ sở tập trung của tỉnh.
Chị Lê Thị Lan, một khách du lịch đến từ Hà Nội, kể: “Tôi ngồi uống cà phê sáng, trong khoảng 2 tiếng mà có đến gần chục người già và trẻ con ngả nón xin tiền, thật là khó chịu”. Cư dân TP Quy Nhơn mong cơ quan chức năng chấn chỉnh tình trạng này, góp phần xây dựng hình ảnh thành phố du lịch thân thiện, lịch sự.
Bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND phường Lý Thường Kiệt, cho biết phường cũng đã thường xuyên ra quân tập trung người ăn xin trên địa bàn, nhưng do một số đối tượng ăn xin trá hình như bán kẹo, bán vé số… nên khó phát hiện và xử lý. Bên cạnh đó, phường cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, khi phát hiện người lang thang ăn xin, kịp thời báo cho chính quyền địa phương để tập trung đối tượng theo quy định.
Theo UBND TP Quy Nhơn, trong 2 năm 2018 - 2019, cơ quan chức năng đã tập trung được 148 người lang thang, ăn xin trên địa bàn thành phố đưa về cơ sở tập trung của tỉnh, trong đó có 102 người ở địa phương khác đến. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng người ăn xin có xu hướng gia tăng, chủ yếu là những trường hợp đau ốm đang nằm bệnh viện. Việc tập trung những người này gặp nhiều khó khăn, vì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của họ. Còn các đối tượng ăn xin tại nhà chùa thường phản ứng quyết liệt với lực lượng chức năng; một số người còn giả dạng bán số, kết hợp ăn xin. Ngoài ra, do nhận thức chưa đúng nên nhiều người dân vẫn còn tư tưởng ban phát từ thiện cho người ăn xin, và cũng phản ứng với cán bộ khi làm công tác tập trung.
Bà Nguyễn Thị Lan, Trưởng phòng LĐ-TB&XH TP Quy Nhơn cho rằng, nếu chỉ có thành phố ra quân tập trung các đối tượng này, còn các huyện, thị triển khai chưa đồng bộ hoặc thực hiện theo từng đợt, thì không giải quyết triệt để được vấn đề. Hơn nữa, các đối tượng ăn xin đưa vào cơ sở tập trung để giáo dục chỉ được vài ngày, khi có người thân bảo lãnh về nhà, sau đó họ quay trở lại “nghề” cũ. Hiện chưa có chế tài hữu hiệu xử lý các đối tượng này nên chưa đủ sức răn đe.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn Ngô Hoàng Nam cho biết: Để giải quyết có hiệu quả vấn đề người lang thang ăn xin trên địa bàn, trong thời gian đến UBND thành phố sẽ chỉ đạo ngành chức năng và UBND các phường, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, để người dân khi phát hiện người lang thang ăn xin thì kịp thời báo cho chính quyền địa phương để tập trung theo quy định, không ban phát từ thiện cho người ăn xin. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý tạm trú, tạm vắng, ngăn chặn những người ở địa phương khác đến tạm trú để lang thang ăn xin. Kịp thời phát hiện, xử lý kẻ chăn dắt người ăn xin. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân làm công tác từ thiện, nhân đạo hỗ trợ tại cộng đồng cho những người có hoàn cảnh khó khăn, nhất là trẻ em nghèo, người tàn tật, người già neo đơn.
VĂN LƯU