Ðồ handmade của phụ nữ
Tình yêu với những món đồ làm theo lối thủ công (handmade) mang đậm dấu ấn cá nhân đã giúp nhiều người có được nghề tay trái tạo thêm thu nhập cho gia đình, thú vui cho riêng mình và giúp cân bằng cuộc sống...
Chị Hà Thu thắt hoa từ ruy băng cho các sản phẩm.
Sở thích thành nghề
Chị Phan Thị Hà Thu (34 tuổi, làm về dịch vụ du lịch) đến với nghề làm đồ handmade từ năm 2012, được xem là người đầu tiên ở Quy Nhơn chuyên về thêu ruy băng - xu hướng tạo điểm nhấn cho trang phục đang được phụ nữ ưa chuộng. Bên cạnh thêu (phổ biến nhất là lên đầm, áo dài, túi vải…), chị Thu còn handmade các mặt hàng như nơ, cài, kẹp tóc, trâm cài áo… Chỉ với khung thêu, kim và những cuộn ruy băng, chị Hà Thu có thể ngồi tỉ mẩn hàng giờ trong niềm thích thú. Nếu làm kẹp tóc, cài áo…, “đồ nghề” còn đơn giản hơn, chỉ gồm máy bắn keo và cây kéo, những bông hoa, chiếc nơ xinh xắn thoắt hiện ra từ đôi bàn tay khéo léo của chị.
Theo chị Hà Thu, chỉ cần biết kết hợp, biến tấu một chút và chịu khó, phụ nữ không tốn kém nhiều mà chuyện ăn mặc sẽ đa dạng, mới mẻ. Nếu tự làm cho mình và tư vấn cho người thân, bạn bè thì hay quá, nghĩ vậy nên thời gian nhàn rỗi, chị học làm đồ handmade trên mạng, càng học càng thấy lôi cuốn, nhất là khi làm được những mẫu khó hay mở rộng đa dạng sản phẩm theo thị hiếu mới. “Được nhiều khách hàng quen khuyến khích, tôi mạnh dạn mở shop online Hà Thu handmade, chính thức xem đó là nghề tay trái đầy nghiêm túc. Chất lượng đồ handmade phần nào thể hiện uy tín người làm ra. Do đó, tôi tự dặn mình làm bền, đẹp, mẫu mã đổi mới nhất có thể”, chị Hà Thu chia sẻ.
Luôn cố gắng thực hành sống xanh trong đời sống sinh hoạt thường ngày, chị Mai Phúc Duyên, 35 tuổi, kiến trúc sư tự do, đã mày mò thử nghiệm thành công một số sản phẩm như dầu gội, sữa tắm, nước rửa chén, tinh dầu… chiết xuất từ thực vật. Chị Duyên cho biết: “Trong thời gian học thạc sĩ về kiến trúc ở Anh, bạn bè nước ngoài thấy tôi tự làm những sản phẩm đó để dùng thì rất ngạc nhiên. Tôi bảo chẳng phải tôi giỏi giang tự “bào chế” mà chỉ là học theo người xưa. Không có chất tẩy rửa, hương hóa học nên độ làm sạch, lưu hương không được như sản phẩm công nghiệp. Tôi biết trước và chấp nhận điều này, vì nghĩ làm cho gia đình mình xài. Không ngờ nhiều người biết đến và muốn mua sử dụng”. Sau vài năm, hiện chị Duyên đã làm được trên 20 sản phẩm, mang “thương hiệu” MaiGardens. Vượt phạm vi “tự cấp tự túc”, chị Duyên xác định trách nhiệm với khách hàng tin dùng đồ handmade của mình bằng việc xúc tiến đăng ký chứng nhận an toàn cho các sản phẩm.
Chị Ngọc Nhung cùng các học trò nhí trong một buổi dạy làm bánh, kẹo handmade tại nhà.
“Sản phẩm bởi tôi” và những niềm vui
Với những ưu thế: Bền, “chất”, nhất là độ an toàn cho sức khỏe, sản phẩm handmade luôn có chỗ đứng riêng. Do vậy, nếu biết duy trì sự tín nhiệm của khách hàng bằng chất lượng sản phẩm, chịu khó nâng cao tay nghề, bắt kịp thị hiếu, cộng với một chút may mắn, nghề tay trái làm đồ handmade giúp nhiều người có thêm nguồn thu nhập, cùng những mối quan hệ mới, niềm vui mới.
Với chị Nguyễn Thị Ngọc Nhung (37 tuổi, ở Quy Nhơn), chủ tiệm bánh online Aly’s Cake, qua 5 năm dày công theo nghề và được tin tưởng, chị có thêm khoản thu nhập quý giá để một mình nuôi con được chu đáo hơn. Mặt khác, cuối ngày hay cuối tuần khi hoàn thành công việc chính là kế toán, đến với thú vui bếp núc cũng là một cách giúp chị cân bằng đầu óc, giữ và làm giàu sự lãng mạn, sáng tạo. Chị Nhung tâm sự: “Trong mỗi món quà handmade chứa đựng tình cảm dành cho nhau. Nhu cầu học làm bánh, nhất là bánh kem để tự tay làm bánh sinh nhật cho chồng con, cha mẹ đang tăng cao, nhận thấy niềm vui của người học khi làm được món quà ưng ý, tôi cũng hạnh phúc theo”.
Niềm vui từ nghề tay trái ở chị Hà Thu cũng đơn giản là những lúc thấy khách trông xinh hơn khi diện món đồ mình làm ra, nhất là khắc phục thành công một điểm khó, lỗi nào đó trên trang phục. Khách hàng mới nhất của chị là một cô gái tầm 30 tuổi, được tặng một xấp vải áo dài nhung trơn màu lông chuột - chất liệu lẫn màu sắc đều khá già so với tuổi, nên mang đến nhờ chị “nghiên cứu”. “Kết cườm trắng nhỏ quanh cổ và tay áo, nhất là tạo điểm nhấn bằng thêu hoa hồng đỏ lên một bên ngực áo, chọn quần đi tông với màu hoa. Khi đứng riêng, bộ áo dài đã trẻ, cá tính hẳn, khách vận vào càng phù hợp. “Một món đồ nhỏ được bán chứ không phải biếu tặng nhưng vẫn khiến người mua nhớ đến, cảm ơn người làm ra, đó là hạnh phúc của người làm đồ handmade”, chị Hà Thu chia sẻ.
Với chị Mai Phúc Duyên, nghề tay trái vừa là nguồn vui đồng thời là trăn trở, bởi gắn với niềm tự hào, mong muốn tìm lại những sản phẩm dân dã một thời. Trong kế hoạch ra nước ngoài học tiến sĩ, chị cũng sẽ duy trì làm, với mong muốn giới thiệu những sản phẩm nguồn gốc thiên nhiên thuần Việt rộng hơn nữa.
SAO LY