“Mỗi ngày cố gắng một chút một”
Hơn 5 năm, từ một người đi học nghề đan sợi nhựa, chị Ngô Thị Gái (45 tuổi, ở đội 15, thôn Vinh Quang 1, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) - một người khuyết tật - từng bước hình thành một nhóm người lao động, chủ động nhận đơn hàng. Xuyên suốt câu chuyện của chị, tôi đọc được một thông điệp: Mỗi ngày hãy cứ cố gắng một chút một, để đến khi ngoảnh nhìn lại, ta đã đi được một đoạn dài.
Chị Gái làm nghề đan bằng tay phải và cả hai chân.
Khi nghe tin các anh chị khuyết tật khác giới thiệu về nhóm đan lát sợi nhựa của mình, chị Ngô Thị Gái thường lắc đầu quầy quậy, nói: “Mình làm được có chút xíu à. Bao nhiêu người ngoài kia đang làm được những điều to lớn hơn”. Nhưng với không ít bạn bè khuyết tật khác, sự nỗ lực của chị cũng đang góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về cộng đồng người khuyết tật.
Chị Gái sinh ra với cánh tay trái teo cơ, yếu ớt. Chị từng hoang mang vì không biết mưu sinh bằng nghề gì để nuôi mình, góp phần chăm sóc gia đình. Hơn 5 năm trước, chị đi học nghề đan sợi nhựa. Trong khi người khác thoăn thoắt đôi tay, chị Gái phải huy động cả hai chân để hỗ trợ tay phải làm việc. Nhận hàng về nhà để đan một thời gian, chị Gái lại muốn đi học bắn ghim và giăng dây khung để nâng cao thu nhập. Rồi, kinh tế gia đình buộc chị phải năng động hơn. Chị quyết định lập nhóm với các chị em gần nhà để nhận hàng từ các mối về đan.
Thời điểm khởi đầu ấy, nhóm của chị chỉ có vài người, thiếu thốn đủ loại vật dụng, thiết bị. May thay, được sự hỗ trợ của Chi hội khuyết tật Nguyễn Nga với mức gần 20 triệu đồng, chị Gái dựng được một cái rạp nhỏ để làm nơi chứa hàng, nơi các chị ngồi làm việc; mua máy nén hơi và 5 súng bắn ghim. Từ cơ ngơi đầu tiên ấy, từng bước một, nhóm nhỏ của chị nâng lên được 30 người, mua sắm được 8 súng bắn ghim mới thay cho các súng cũ đã hỏng.
Gắn bó với nhóm của chị Gái từ những ngày đầu tiên, chị Trần Thị Chiến (43 tuổi), chia sẻ: “Mình làm ở đâu quen đó. Chị em gắn bó, dễ nói chuyện. Cái công việc này phù hợp với phụ nữ nông thôn bởi có thể tranh thủ được thời gian để chăm sóc gia đình, lo việc đồng áng và tranh thủ làm được vào buổi tối. Tôi làm việc bắn ghim và giăng dây khung nên thu nhập tầm 3 triệu đồng/tháng. Các chị làm việc đan dây thì sẽ thấp hơn”.
Chị Nguyễn Thị Thu Tiếng (38 tuổi) góp thêm: “Chị Gái hiểu hoàn cảnh của từng người trong nhóm. Những lúc khó khăn, chị thường xuyên ứng trước tiền để tôi kịp lo việc nhà. Ở đây, ai cũng khó khăn nên đều chia sẻ với nhau. Có người đã mất đứa con duy nhất do TNGT, giờ già rồi, tự nuôi mình, nuôi chồng, nuôi mẹ già bằng số tiền từ việc đan dây. Có người có chồng mà cũng như không, một tay lo cho con cái, nhà cửa... bằng nghề này”.
Chị Gái tâm sự: “Nguyện vọng của tôi là có thể mở rộng phần rạp trong sân để chị em có thêm chỗ rộng rãi làm hàng; xây được nhà vệ sinh để mọi người thoải mái hơn. Thông thường, mọi người nhận hàng về đan tại nhà. Tầm 10 người đan dây; bắn ghim ngay tại nhà tôi. Thực tế, nhóm đan của chúng tôi vẫn còn đầy khó khăn nhưng mà ai nấy đều động viên nhau cố gắng mỗi ngày”.
AN PHƯƠNG