Hoài Ân nỗ lực thu hút doanh nghiệp vào các cụm công nghiệp
Thời gian qua, UBND huyện Hoài Ân đã tập trung quy hoạch 4 cụm công nghiệp, đồng thời nỗ lực thu hút nhà đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp, tạo việc làm cho lao động tại địa phương.
Theo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Hoài Ân, đến nay, trong số 4 cụm công nghiệp (CCN) được quy hoạch trên địa bàn huyện, có 2 CCN đã đầu tư cơ sở hạ tầng và thu hút DN. Trong đó, CCN Dốc Truông Sỏi (15 ha, ở thị trấn Tăng Bạt Hổ) được đầu tư đường nội bộ, hệ thống thoát nước, điện, san lấp mặt bằng với tổng kinh phí 10,2 tỷ đồng. CCN này thu hút 4 DN vào sản xuất may mặc, cơ khí, vật liệu xây dựng. Đối với CCN Du Tự (9,2 ha, ở thị trấn Tăng Bạt Hổ), được địa phương đầu tư xây dựng các tuyến đường nội bộ, hệ thống điện, san lấp mặt bằng, thu hút 3 DN sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến hạt điều, mộc dân dụng. Còn lại 2 CCN Gò Bằng (10 ha, ở xã Ân Mỹ), Tân Thạnh (15 ha, ở xã Ân Tường Tây) đang được huyện xúc tiến mời gọi nhà đầu tư.
Công nhân làm việc tại Công ty CP May Hoài Ân.
Ông Vũ Thành Minh, Phó Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Hoài Ân, cho biết: “Huyện xác định việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần tỷ trọng sản xuất nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại là hướng đi bền vững trong phát triển kinh tế. Huyện rất quyết tâm để cải cách các thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi. Một DN cũng đang hoàn thiện hồ sơ để đầu tư vào CCN Dốc Truông Sỏi là Công ty CP Chế biến lâm sản Kim Thành Lập, với vốn đăng ký đầu tư khoảng 200 tỷ đồng, dự kiến sẽ thuê hơn 8 ha đất để xây dựng cơ sở sản xuất mộc dân dụng, ván ghép thanh”.
Một trong những đơn vị đi tiên phong trong đầu tư sản xuất, kinh doanh tại Hoài Ân là Công ty CP May Hoài Ân, nhà máy đặt tại CCN Dốc Truông Sỏi, với diện tích đất thuê là 1,4 ha. Ông Võ Khắc Toàn, Trưởng phòng Kế hoạch - Thị trường của Công ty, cho biết: “Chúng tôi chọn CCN Dốc Truông Sỏi để đầu tư nhà máy may bởi ở địa phương có lực lượng lao động dồi dào, chính quyền địa phương quan tâm, đồng hành hỗ trợ nhà đầu tư. Hiện, nhà máy đang nhận các đơn hàng gia công may các sản phẩm quần tây nam, quần jean, quần bơi… để xuất khẩu. Năm 2019, công ty sản xuất đạt 1,4 triệu sản phẩm, tổng doanh thu hơn 25 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 3 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 210 lao động, với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng”.
“Trước đây, tôi phải vào TP Hồ Chí Minh, Bình Dương để kiếm sống. Từ khi có Công ty CP May Hoài Ân, tôi liền về quê xin việc làm, hiện mỗi tháng thu nhập hơn 5 triệu đồng, có tháng làm đạt lượng sản phẩm lớn thì tăng lên đến 8 - 9 triệu đồng. Thu nhập ổn định lại có điều kiện ở gần nhà chăm sóc gia đình nên người lao động ở địa phương như chúng tôi rất yên tâm làm việc”.
Chị Lê Thị Thu, công nhân Công ty CP May Hoài Ân
Ông Hoàng Phi Long, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, cho hay: Phát triển các ngành công nghiệp mà địa phương có lợi thế về nguyên liệu, thị trường và lao động là một trong những ưu tiên hàng đầu trong thu hút đầu tư của địa phương. Tín hiệu đáng mừng là trong năm 2019, cơ cấu kinh tế ngành công nghiệp - xây dựng có chuyển biến tích cực, với giá trị sản xuất đạt 1.019 tỷ đồng, tăng 17,7% so với năm 2018. Trong đó, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 219 tỷ đồng, tăng 15%.
“Trong năm nay, huyện Hoài Ân sẽ nỗ lực hơn nữa trong việc đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các CCN để mời gọi, thu hút đầu tư. Cùng với đó, địa phương cũng sẽ tập trung công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường tốt hơn nữa để thu hút đầu tư, nhằm sớm lấp đầy các CCN trên địa bàn, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động”, ông Hoàng Phi Long nhấn mạnh.
NGUYỄN HÂN