Phòng bệnh viêm mũi dị ứng
Mùa xuân với những đợt không khí lạnh xen kẽ độ ẩm không khí cao là thời điểm bệnh viêm mũi dị ứng xuất hiện nhiều nhất. Đây cũng là mùa của hoa nở, ong bướm bay đi tìm mật, khiến trong không khí rất nhiều phấn hoa, mạt bụi côn trùng…, là những tác nhân gây viêm mũi dị ứng.
Người dễ mắc viêm mũi dị ứng phải biết tự bảo vệ mình bằng cách giữ ấm khi thời tiết chuyển mùa, tránh tắm và gội đầu vào buổi sáng. Nếu ngạt mũi ngày càng tăng, dịch mũi chảy ra màu vàng xanh, phải điều trị kết hợp với kháng sinh, chống viêm sớm vì lúc này có thể bệnh đã chuyển sang giai đoạn của viêm xoang. Nếu điều trị không kịp thời sẽ gây ra những biến chứng như viêm họng, viêm thanh quản, phế quản... khiến người bệnh sẽ lâu phục hồi hơn.
Quan trọng nhất trong điều trị viêm mũi dị ứng là cắt cơn tái phát. Điều này được thực hiện bằng việc dùng các thuốc khống chế làm sao cho việc tái phát giảm xuống mức thấp nhất trong ngày. Bệnh nhân nên tự biết tránh những tác nhân mình tiếp xúc sẽ gây ngứa mũi, nên khi ra ngoài trời phải mang khẩu trang.
“Điều trị viêm mũi dị ứng theo mùa phải có sự phối hợp chặt chẽ của bệnh nhân và thầy thuốc do quá trình điều trị thường kéo dài 3 - 6 tháng. Điểm lưu ý khi điều trị những bệnh này là các thuốc kháng histamin rất dễ gây quen thuốc, do đó, việc điều trị duy trì dưới sự theo dõi chặt chẽ của thầy thuốc rất quan trọng đối với người bệnh”, bác sĩ CKII Nguyễn Thành Long, Trưởng khoa Tai Mũi Họng BVĐK tỉnh, lưu ý.
THÙY VY (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)