Nỗi lo dịch cúm gia cầm
Từ giữa tháng 3 đến nay, dịch cúm gia cầm (DCGC) đang tái phát trên địa bàn tỉnh. Hiện các địa phương đang thu hoạch rộ lúa Đông Xuân, đây là điều kiện thuận lợi cho vi-rút cúm gia cầm phát tán, lây lan ra diện rộng do tình trạng vịt chạy đồng chưa được kiểm soát chặt chẽ. Đáng lo ngại nhất là sự chủ quan của người chăn nuôi và người tiêu dùng.
Mặc dù DCGC đang diễn biến phức tạp nhưng nhiều hộ chăn nuôi vịt vẫn tái đàn.
- Trong ảnh: Chăn nuôi vịt tái đàn tại một hộ ở thôn Đại Lễ, xã Phước Hiệp.
Diễn biến phức tạp
Sáng 29.3, chúng tôi tìm đến khu nuôi vịt của hộ ông Trần Chí Can, ở khu vực 4, phường Trần Quang Diệu (TP Quy Nhơn). Con đường dẫn vào khu nuôi vịt đã được rắc vôi bột trắng xóa, lực lượng thú y đang phun thuốc khử trùng tiêu độc. Với gương mặt rầu rĩ, ông Can cho biết: “Cách đây 2 tuần, đàn vịt tơ 2.000 con của tui bỗng dưng đổ bệnh chết hàng loạt. Tui lập tức báo cho thú y xã đến kiểm tra. Sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với vi-rút cúm gia cầm, Trạm Thú y TP Quy Nhơn đã phối hợp với chính quyền địa phương tiêu hủy toàn bộ số vịt còn lại trong đàn”.
Cùng thời điểm trên, ngành chức năng cũng đã phát hiện đàn vịt tơ 3.200 con của ông Nguyễn Văn Thạnh chạy đồng từ thôn Mỹ Điền, thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước) đến cánh đồng khu vực 4 phường Trần Quang Diệu cũng xảy ra tình trạng vịt ốm chết lẻ tẻ có biểu hiện DCGC. Cả đàn vịt này cũng đã bị tiêu hủy.
Tiếp đó, trong các ngày từ 22 đến 24.3, đàn vịt với tổng số gần 6.000 con tại 4 hộ nông dân ở xã Hoài Đức (huyện Hoài Nhơn) xuất hiện tình trạng bệnh và chết hàng loạt, ngành chức năng đã tiến hành tiêu hủy. Cũng trong thời gian này, đàn vịt của 4 hộ ở các xã Mỹ Lợi, Mỹ Châu (huyện Phù Mỹ) xảy ra tình trạng chết hàng loạt, và 3.295 con vịt đã bị tiêu hủy.
Qua kết quả thông báo của Trung tâm Thú y vùng 4 Đà Nẵng cho thấy, hầu hết các mẫu xét nghiệm lấy từ các đàn vịt chết trên địa bàn tỉnh đều có kết quả dương tính với vi-rút cúm A H5N1. Như vậy, DCGC đã thật sự hiện diện trên địa bàn tỉnh!
Sự chủ quan đáng sợ
Theo ngành Thú y, hiện tỉ lệ nhiễm vi-rút cúm H5N1 trên đàn vịt tại tỉnh ta rất cao, thật sự là mối đe dọa không nhỏ cho ngành chăn nuôi, kể cả vấn đề dịch bệnh ở con người. Theo đúng nguyên tắc phòng chống DCGC, cần phải tiêu hủy các đàn vịt đang mang mầm bệnh. Thế nhưng đây là việc không dễ dàng. Hơn nữa, hầu hết các hộ chăn nuôi vịt đều chăn thả tràn lan trên các cánh đồng lúa vừa mới thu hoạch, các dòng sông, ao, hồ mà không có sự quản lý chặt chẽ, càng tăng cao nguy cơ lây lan DCGC.
Ông Trần Văn Đường, một hộ chăn nuôi vịt ở xã Phước Hiệp (Tuy Phước), cho biết: “Trước đây gia đình tôi cũng có nhốt vịt tại chỗ để quản lý dịch bệnh theo khuyến cáo của ngành Thú y. Nhưng nhốt vịt luôn một chỗ thì chúng tôi khó mà có đủ tiền mua thức ăn cho chúng. Tranh thủ mùa thu hoạch lúa Đông Xuân, tôi đưa vịt ra đồng để tận dụng nguồn thức ăn!”.
Mặc dù được ngành Thú y khuyến cáo DCGC hiện diễn biến rất phức tạp, nhưng tình hình chăn nuôi vịt, tiêu thụ sản phẩm gia cầm, trứng gia cầm, buôn bán gia cầm sống tại nhiều địa phương vẫn diễn ra một cách rất… bình thường! Tại Tuy Phước, An Nhơn, Phù
Cát, có hàng chục ngàn con vịt đang được “vô tư” chạy đồng. Một số hộ chăn nuôi đã phớt lờ cảnh báo nguy cơ tái phát DCGC, mua thêm con giống mới để gầy đàn.
Ông Lê Minh Hiếu, một hộ chăn nuôi vịt ở thôn Đại Lễ, xã Phước Hiệp, cho biết:
“Mặc dù biết rằng DCGC có nguy cơ lây lan từ vịt sang người nhưng không nuôi vịt thì chẳng biết làm nghề gì. Tôi đang nuôi tái đàn 800 con vịt, tranh thủ ruộng lúa gặt xong đưa đàn vịt đến kiếm ăn”. Khi chúng tôi hỏi DCGC đang bùng phát, đàn vịt của ông đã tiêm phòng chưa thì nhận được câu trả lời là “khi bán giống các đại lý nói là đã tiêm phòng rồi nên cứ nuôi, không việc gì phải lo!”.
Thời điểm này, giá trứng gà, vịt tại các chợ đầu mối tuy có giảm so với trước đây nhưng vẫn đang ở mức cao. Tại chợ Bình Định (thị xã An Nhơn), trứng vịt được tiêu thụ khá mạnh với giá từ 26.000 - 28.000 đồng/chục; trứng vịt lộn từ 30.000-32.000 đồng/chục. Tại các chợ trong tỉnh, mặc dù được khuyến cáo là DCGC đang bùng phát, nhưng nhiều người vẫn buôn bán gà, vịt sống, và giết mổ ngay tại chỗ.
Lực lượng thú y tỉnh tiến hành tiêu hủy một đàn vịt mắc dịch cúm tại xã Hoài Đức (Hoài Nhơn).
Nỗ lực dập dịch
Ông Lê Ngọc Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, bày tỏ sự lo lắng: “DCGC bùng phát vào thời điểm nắng nóng như hiện nay là bất thường, trái quy luật. Điều đáng lo hơn cả là việc khó quản lý các đàn vịt chạy đồng, vịt mới tái đàn, phần lớn chưa được tiêm phòng. Các ổ DCGC vừa phát hiện trên địa bàn tỉnh hầu hết đều phát sinh từ các đàn vịt mới tái đàn”.
Sau khi phát hiện các ổ dịch, Chi cục Thú y đã triển khai nhiều biện pháp nhằm nhanh chóng bao vây, khống chế; hỗ trợ khẩn cấp trên 700 ngàn liều vắc xin tiêm phòng cho đàn vịt. UBND tỉnh cũng đã hỗ trợ ngân sách khẩn cấp trên 700 triệu đồng cho ngành Nông nghiệp tỉnh mua 2 triệu liều vắc xin cung cấp kịp thời cho các địa phương, thời hạn đến ngày 20.4, toàn bộ đàn vịt phải được tiêm phòng.
Tại TP Quy Nhơn, công tác phòng chống DCGC cũng đang được thắt chặt. Ông Nguyễn Văn Ánh, Trưởng Trạm Thú y Quy Nhơn, cho biết: Sau khi phát hiện ổ DCGC tái phát tại khu vực 4, phường Trần Quang Diệu, lực lượng thú y đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ đàn vịt, tổ chức tiêm phòng cho toàn bộ đàn gia cầm trên địa bàn thành phố. Đã tiêm trên 115 ngàn liều vắc xin cúm gia cầm cho đàn gà, vịt. Đàn vịt đã tiêm phòng đạt xấp xỉ 100% tổng đàn, phấn đấu đạt tỉ lệ tiêm phòng trên 95% tổng đàn gà. Chúng tôi đang tăng cường giám sát dịch bệnh trên đàn gia cầm, thường xuyên phun thuốc tiêu độc sát trùng chuồng trại chăn nuôi, các điểm buôn bán gia cầm sống, cơ sở giết mổ.
Trên sông Côn, đoạn qua khu vực phường Nhơn Hòa (thị xã An Nhơn) nhiều đàn vịt được thả tự do trên sông, nguy cơ phát tán vi-rút cúm gia cầm là rất lớn.
Phòng chống dịch còn nhiều bất cập
Ông Lê Ngọc Pháp cho biết: “Tuy các ổ DCGC được khoanh vùng, khống chế, nhưng tình hình vẫn còn diễn biến rất phức tạp. Công tác giám sát dịch bệnh tại các địa phương còn gặp một số khó khăn. Chi cục Thú y tiếp tục chỉ đạo lực lượng thú y thắt chặt các biện pháp phòng chống dịch và tuyên truyền người dân nâng cao ý thức phòng chống DCGC. Ngành Thú y cũng đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở NN-PTNT về việc tiếp tục phòng chống DCGC, yêu cầu các hộ chăn nuôi khi tái lập đàn, nuôi mới, nhập giống gia cầm phải đăng ký với ngành chức năng và chính quyền địa phương”.
Tuy nhiên, thực tế việc triển khai các biện pháp trên là rất khó khăn. Do lực lượng thú y tại các địa phương quá mỏng nên không thể kiểm soát được việc các hộ chăn nuôi đưa vịt chạy đồng, các điểm buôn bán gia cầm sống, trong khi chính quyền các địa phương vẫn còn thờ ơ, chưa vào cuộc quyết liệt.
Một vấn đề đáng quan ngại nữa là hầu hết các lò giết mổ gia súc, gia cầm chưa đảm bảo các điều kiện về vệ sinh giết mổ, nguy cơ lây lan DCGC là rất lớn. Ban Chỉ đạo phòng chống DCGC của tỉnh, các ngành chức năng cần có những biện pháp quyết liệt hơn để chủ động đối phó, nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Bài và ảnh: NGUYỄN HÂN