Thầm lặng lính canh kho vũ khí
Bảo quản súng, đạn các loại để cấp phát cho các đơn vị huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu là “nghề” của cán bộ, chiến sĩ Đại đội Kho vũ khí, đạn K6 (thuộc Phòng Kỹ thuật, Bộ CHQS tỉnh). Một công việc thầm lặng nhưng luôn đối mặt với hiểm nguy.
Đại đội Kho K6 đứng chân ở vùng đồi núi ở xã Phước An (Tuy Phước), trông giữ và bảo quản một khối lượng lớn vũ khí, thiết bị kỹ thuật. Nhiệm vụ của đơn vị là quản lý, bảo quản, sửa chữa vũ khí, đảm bảo kỹ thuật phục vụ cho các nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh, cấp huyện và các nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất theo mệnh lệnh của cấp trên.
Vào kho là vào vị trí chiến đấu
Dù vẫn thường trực trong đầu suy nghĩ là mình đang đi vào kho vũ khí, nhưng lần đầu tiên đến Đại đội Kho vũ khí, đạn K6, tôi vẫn không tránh khỏi cảm giác lạnh người, bởi cách bố trí các kho cho thấy sự cẩn trọng được thiết lập ở mức cao nhất. Muốn vào các nhà kho, phải qua nhiều lớp cổng. Trước các dãy nhà kho là những cột thu lôi chống sét dày đặc, vươn lên trời; rồi lại những ụ bê tông vững chắc nằm chắn ngang trước các kho đạn, chỉ chừa lối nhỏ đi vào. Đại úy Phạm Thanh Hòa, Đại đội phó Kho K6, giải thích ngắn gọn: “Tất cả các kho đạn đều có ụ chống nổ lây, phòng khi có sự cố xảy ra”.
Tại các nhà kho, cán bộ, nhân viên Đại đội đang mải mê bảo dưỡng các chi tiết từng khẩu súng, quả đạn. Đó là công việc thường ngày của những người lính trông kho. Thiếu úy Trương Thiên Triều, mới về đơn vị được một năm, dường như hiểu được cảm xúc của tôi, bèn trấn an: “Những người làm nhiệm vụ này khi lần đầu tiếp xúc với môi trường, công việc ở đây cũng hồi hộp lắm, sau mới quen dần”.
Dẫn tôi tham quan kho súng, kho đạn các loại, để giúp tôi giảm... căng thẳng, đại úy Phạm Thanh Hòa thỉnh thoảng lại hài hước: “Công việc chúng tôi lúc nào cũng đối mặt với nguy hiểm. Nhưng ngày nào không vào kho để chạm vào súng, chạm vào đạn là thấy nhớ, ăn cơm không ngon đấy”.
Có mặt tại Kho K6 đúng vào thời điểm mưa nắng thất thường trong những ngày này, tôi cảm nhận được phần nào sự gian khổ, nguy hiểm qua công việc thầm lặng của những người lính trông kho. Tại các nhà kho, vũ khí, đạn dược sắp xếp ngăn nắp, đúng tiêu chuẩn, bảo đảm cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Hệ thống sổ sách, đăng ký, quản lý thống kê, chế độ kiểm kê, kiểm nghiệm đều được thực hiện đúng quy định.
Thượng úy Đỗ Đặng Trung, Đại đội trưởng Kho K6, người có gần 20 năm gắn bó với Kho K6, cho hay: “Làm nhiệm vụ bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, tiếp nhận, cấp phát vũ khí thiết bị kỹ thuật, có những loại sản xuất lâu năm, nguy cơ mất an toàn cao nên chúng tôi luôn tâm niệm “cẩn trọng bao nhiêu cũng chưa đủ, sơ sẩy một ly cũng quá thừa”. Đơn vị thường xuyên giáo dục cho cán bộ chiến sĩ tâm thế “vào kho là vào vị trí chiến đấu”, thực hiện nghiêm các quy trình công nghệ, quy định, quy tắc bảo quản, bảo dưỡng, sắp xếp, phân loại lô, liều vũ khí, đạn dược... kiên quyết không làm dối, làm ẩu, nhất là trong xử lý đạn cấp 5 nguy hiểm. Đồng thời kho thường xuyên duy trì chế độ trực, sẵn sàng chiến đấu, tuần tra, đầu tư bảo đảm dụng cụ phòng cháy chữa cháy chuyên nghiệp”.
Nghề “giữ lửa”
Vào các nhà kho, đi giữa những thùng vũ khí, tận tay chạm vào những quả đạn lạnh lẽo, chúng tôi hiểu vì sao những người lính coi kho nơi đây được ví là những người “giữ lửa”. Lửa ẩn trong những quả bom, viên đạn, lửa ủ trong những ngòi nổ, song lửa luôn được giữ yên lành bằng trái tim, khối óc, tinh thần trách nhiệm của những người lính trông kho. Mùa hè, họ lo thông gió bên trong, phát quang chống cháy bên ngoài. Mùa mưa, họ tất bật chống dột, ẩm mốc, mối mọt, củng cố hệ thống chống sét, thoát nước... Làm việc trong môi trường nguy hiểm, độc hại, phải thường xuyên tiếp xúc với vũ khí đạn dược, dầu mỡ, hóa chất, luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động và cháy nổ cao nên yếu tố cẩn trọng, tỉ mỉ, độ chính xác cao luôn được những người lính giữ kho đơn vị K6 tuân thủ nghiêm ngặt.
Theo Đại đội trưởng, thượng úy Đỗ Đặng Trung, thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Vũ khí là mồ hôi nước mắt của đồng bào, là xương máu của bộ đội, vì vậy phải quý trọng nó, phải tiết kiệm, ngăn nắp, phải sử dụng hợp lý”, nên cán bộ, nhân viên Kho K6 không ngừng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn về an toàn, về các quy trình công nghệ, quy định, quy tắc bảo quản, bảo dưỡng, sắp xếp, phân loại, phân lô, phân liều vũ khí, đạn dược... luôn đảm bảo an toàn. Thượng úy Đỗ Đặng Trung chia sẻ: “Công tác bảo quản quân khí là một trong những công việc vất vả, nguy hiểm nhất của người lính trong thời bình. Với nhiệm vụ này, chỉ cần sơ suất một chút thì người lính sẽ không còn cơ hội rút kinh nghiệm, do đó chúng tôi không được phép sai dù là sai nhỏ nhất”. Vì vậy, nói về công việc của mình và đồng đội, đại úy Phạm Thanh Hòa, sau 13 năm gắn bó với công việc bảo quản vũ khí, đạn dược, tự hào đúc kết: “Lính coi kho vũ khí là những người tỉ mỉ nhất, cẩn thận nhất, chính xác nhất”.
Những người đến trước về sau
Trong những năm gần đây, các đợt diễn tập của LLVT tỉnh diễn ra nhiều nên công việc của Đại đội Kho K6 càng vất vả hơn. Cứ đến mùa diễn tập, cán bộ, chiến sĩ phải lo đảm bảo vũ khí, súng, đạn.
Nhưng có điều ít người biết, nhiệm vụ nặng nề, nguy hiểm hơn là mỗi khi diễn tập diễn ra, họ phải có mặt trước ở thao trường, bãi tập để tham gia bắn kỹ thuật trước khi đưa ra diễn tập bắn đạn thật. Trung úy Nguyễn Thanh Nớt bảo: “Mình phải bắn kiểm tra trước, nếu có gì trục trặc là “lãnh” trước, nên dù đã rời kho đạn nhưng tính chất nguy hiểm của công việc vẫn cứ đeo bám”.
Tuy nhiên, theo cán bộ, nhân viên Đại đội Kho K6, công việc cực nhất, mất thời gian nhất là phải đi tìm những quả đạn, chủ yếu là đạn cối 82, DKZ 82, trong quá trình diễn tập bắn ra không nổ, về xử lý. Kết thúc buổi tập, anh em phải ở lại đi vạch từng lùm cây, bụi cỏ kiếm cho ra được quả đạn không nổ. Tìm không ra thì phải báo cáo lên cấp trên để điều lực lượng công binh đến rà tìm. Nên mỗi đợt diễn tập diễn ra, những người lính Kho K6 lúc nào cũng có mặt trước tiên nhưng lại ra về sau cùng.
Do đặc thù của công việc, tất cả cán bộ, nhân viên ở Kho K6 đều được đào tạo qua trường lớp và gắn bó lâu năm với công tác này. Người trẻ nhất đơn vị là thiếu úy Trương Thiên Triều, mới về đơn vị được 1 năm, còn lại đều có thâm niên trong nghề từ 10 - 20 năm. Trung úy Nguyễn Hà Minh Tăng, 35 tuổi nhưng đã có 15 năm làm việc ở Kho K6, tâm sự: “Làm công việc này thì mọi người đều xác định ngay từ đầu là không thể chuyển đi các đơn vị khác được, nên phải gắn bó cho đến lúc về hưu”.
Theo thượng tá Nguyễn Cúc, Chủ nhiệm Kỹ thuật (Bộ CHQS tỉnh), thời gian qua, đoàn kiểm tra của Quân khu 5, Bộ CHQS tỉnh đã tiến hành kiểm tra hệ thống kho tàng của Kho K6 đều đánh giá: Kho K6 đảm bảo tốt công tác quản lý, khai thác vũ khí trang bị kỹ thuật, thực hiện tốt công tác tham gia bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật cho các đơn vị thực hiện các nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu và thực hiện tốt công tác an toàn, hệ thống quản lý sổ sách, mẫu biểu ghi chép rõ ràng; hệ thống các nhà kho được tu bổ, củng cố về cơ sở vật chất, có hàng rào bảo vệ, đầy đủ hệ thống thu lôi chống sét, hệ thống cứu hỏa, ụ chống nổ lây, điện chiếu sáng bảo vệ, bảo đảm an toàn đúng quy định…
Bài, ảnh: NGUYỄN PHÚC
Còn rất nhiều nghề "Thầm lặng" nữa mà có thể bạn đọc chưa biết. Ví dụ : nghề chăm sóc thương bênh binh nặng, nghề dạy trẻ khuyết tật, nghề Lao công, ... vv. Nghề Canh giữ Vũ khí là Bí mật quân sự, bí mật Quốc gia rồi thì phải Thầm lặng. Bài viết hay, Lạ nhưng cảm hứng của người đọc bài viết này chưa thật sự có cảm xúc.
Cảm ơn phóng viên Nguyễn Phúc đã chịu khó liên lạc, làm việc cụ thể với cơ quan quân đội và thuyết phục họ cho phép viết bài phóng sự này. Bởi từ trước đến giờ, rất ít ai viết về những kho vũ khí của quân đội, bởi đó có thể được xem là bí mật quân sự. Chính vì thế mà càng ít người biết về công việc của các cán bộ, quân nhân quốc phòng tại các đơn vị này. Do đó, bài viết này của phóng viên Nguyễn Phúc đã giúp độc giả hiểu biết phần nào về công việc của những "người lính canh kho vũ khí", để không quên lãng công lao thầm lặng của họ. Tuy nhiên, phóng viên một khi đã được vào kho, nhìn thấy kho vũ khí, chụp hình...thì cũng phải biết "nghĩa vụ" giữ gìn bí mật quân sự. Vì nếu có sự sơ sẩy nào đó, có thể ảnh hưởng phần nào đến an ninh quốc phòng !