Huyện Tuy Phước không tổ chức Lễ hội Đô thị Nước Mặn
Theo ông Trần Hữu Tường, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tăng cường phòng, chống dịch Covid - 19 gây ra, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nên UBND huyện đã chỉ đạo Phòng VH-TT, Trung tâm VH-TT&TT huyện, UBND xã Phước Quang, Ban quản lý di tích lịch sử Chùa Bà không tổ chức Lễ hội Đô thị Nước Mặn và tuyên truyền, thông báo trên đài truyền thanh từ huyện đến cơ sở cho nhân dân biết.
Theo Ban quản lý di tích lịch sử Chùa Bà, chấp hành thông báo của chính quyền địa phương, sáng 24.2 đơn vị chỉ tiến hành Lễ tế Bà đơn giản trong nội bộ mà không có nhạc lễ hoặc đọc - dâng sớ như mọi năm; không tiếp khách đến dâng hương, cúng tế. Nếu du khách từ xa đến viếng chùa, Ban quản lý di tích nhắc nhở đeo khẩu trang và chỉ thực hiện nghi thức dâng hương.
Năm nay, huyện Tuy Phước đã dừng tổ chức các nghi thức dân gian, như: Lễ Nghinh thần - rước sắc, lễ rước biểu trưng Ngư - Tiều - Canh - Mục, lễ cầu an và các hoạt động thể thao, vui chơi giải trí, hát tuồng…
Theo sử sách ghi lại, cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII, thương nghiệp thế giới phát triển mạnh, các nước phương Tây như Bồ Đào Nha, Hà Lan, Ý... và phương Đông như Trung Hoa, Nhật Bản vượt biển tìm kiếm thị trường, thuyền buôn các nước đã đến các cảng thị nổi tiếng xứ Đàng Trong như Hội An (Quảng Nam), Thanh Hà (Huế) và Nước Mặn (Bình Định). Do đó, cảng thị Nước Mặn phát triển mạnh vào đầu thế kỷ XVII và trở thành một cảng thị phồn vinh, nổi tiếng cả xứ Đàng Trong. Từ lúc đó, người dân vùng cảng thị Nước Mặn đã xây dựng ngôi chùa thờ các vị: Thiên Mẫu thánh hậu, bà Thai Sanh (12 bà mụ) và Thành hoàng làng… Hàng năm, người dân vùng này đều tổ chức lễ hội và duy trì cho đến ngày nay.
Lễ hội Đô thị Nước Mặn được UBND tỉnh công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh vào tháng 3.2011.
XUÂN THỨC