Xuất khẩu năm 2020: Phấn đấu đạt mức 970 triệu USD
Năm 2020, ngành Công Thương đặt mục tiêu đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu chạm ngưỡng 970 triệu USD. PV Báo Bình Ðịnh phỏng vấn ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương về vấn đề này.
Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty CP Công nghệ gỗ Đại Thành (phường Bùi Thị Xuân - TP Quy Nhơn).
● Năm 2020, ngành Công Thương đặt ra mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu đạt 970 triệu USD, với nhiều biến động lớn như hiện nay, liệu mục tiêu này có khả thi, thưa ông?
- Tuy hoạt động xuất khẩu năm nay được dự báo sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng theo các chuyên gia kinh tế, DN Việt Nam vẫn có thể tăng kim ngạch xuất khẩu thông qua việc tận dụng lợi ích từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Theo nhận định, với dự báo kim ngạch xuất khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) có thể tăng tới 20% trong thời gian tới, cùng với sự nỗ lực của cả cộng đồng DN, sự chỉ đạo giải quyết khó khăn kịp thời của lãnh đạo UBND tỉnh, năm 2020 dự báo kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ta đạt 970 triệu USD là hoàn toàn khả thi.
● Những ngành hàng nào được kỳ vọng sẽ mang lại giá trị xuất khẩu cao trong năm nay, thưa ông?
Các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) chắc chắn là cú hích lớn cho hoạt động xuất khẩu, các mặt hàng vốn có nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu tốt, nay được hưởng lợi thêm từ các FTA sẽ có nhiều khả năng tạo đột phá, gồm: Dệt may, da giày, gỗ và các sản phẩm từ gỗ…
- Các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) chắc chắn là cú hích lớn cho hoạt động xuất khẩu, các mặt hàng vốn có nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu tốt, nay được hưởng lợi thêm từ các FTA sẽ có nhiều khả năng tạo đột phá, gồm: Dệt may, da giày, gỗ và các sản phẩm từ gỗ… Ngoài ra, một số mặt hàng nông, lâm, thủy sản cũng sẽ có cơ hội phục hồi sau khi sụt giảm khá mạnh trong năm 2019. Mặc dù hàng thủy hải sản tuy chưa được EU gỡ bỏ “thẻ vàng”, nhưng một số DN xuất khẩu thủy sản cũng đã đẩy mạnh tìm kiếm khách hàng mới ở các thị trường khác như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Hong Kong…
Tín hiệu đáng mừng là hoạt động xuất khẩu hàng hóa trong 2 tháng đầu năm nay của Bình Định tiếp tục có sự tăng trưởng khá, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh ước đạt gần 152 triệu USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt 15,6% so với kế hoạch năm. Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng khá là: Sản phẩm từ chất dẻo 14,7 triệu USD, tăng 66,9% so với cùng kỳ năm ngoái; gỗ 22,7 triệu USD, tăng 29,3%; sản phẩm gỗ 59,2 triệu USD, tăng 3,9%; hàng dệt may 35,3 triệu USD, tăng 35,7%…
Nguồn: BTV
● Theo ông, dịch bệnh Covid-19 có ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của DN tỉnh ta? Ngành Công Thương đã chuẩn bị gì để hỗ trợ DN, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, thưa ông?
- Dịch Covid-19 đã, đang và sẽ còn tiếp tục gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều lĩnh vực KT-XH của nước ta nói chung và của Bình Định nói riêng. Dự báo trong thời gian đến, không ít DN sản xuất, kinh doanh trong nước khó khăn vì nguồn nguyên vật liệu bắt đầu khan hiếm, hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu sụt giảm. Ngay sau Tết Nguyên Đán Canh Tý, nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc bị gián đoạn, các nhà cung cấp nguyên liệu chưa hoạt động trở lại, một số DN hoạt động cầm chừng.
Để phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu chạm mức 970 triệu USD trong năm 2020, ngành Công Thương tiếp tục thông tin tuyên truyền, phổ biến nội dung, lợi ích từ CPTPP, EVFTA…, cho các DN; tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại với DN để trao đổi về tình hình xuất khẩu, những khó khăn, vướng mắc và bàn biện pháp tháo gỡ để góp phần thúc đẩy xuất khẩu. Tiếp tục cải cách hành chính trong lĩnh vực thương mại, nâng cao hiệu quả thi hành công vụ; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ DN thông qua hoạt động xúc tiến thương mại quảng bá, mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm.
Chúng tôi cũng tích cực dự báo, cảnh báo về các biện pháp phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Kịp thời đưa ra các giải pháp cụ thể, quyết liệt, có định hướng để tháo gỡ khó khăn cho DN, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, phát triển thị trường. Ngoài ra, các DN cần tập trung thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo nguồn hàng có chất lượng để đảm bảo quy mô cho xuất khẩu và nâng cao giá trị gia tăng, kết nối cung cầu, sản xuất theo chuỗi. Cùng với đó, thay đổi một cách căn bản hơn việc xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của tỉnh.
DN cần tiếp tục tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị và mở rộng quy mô sản xuất nâng cao chất lượng, tăng giá trị và năng lực cạnh tranh cho hàng xuất khẩu. Cùng với đó, tạo nguồn hàng có chất lượng cho sản xuất, hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng, sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm và phù hợp với nhu cầu thị trường nhập khẩu.
● Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN HÂN (Thực hiện)