Mô hình tổ, đội đoàn kết sản xuất: Giúp ngư dân vững tin bám biển
Cùng với việc hỗ trợ ngư dân đầu tư nâng cấp đội tàu khai thác thủy sản xa bờ, Nhà nước cũng động viên, khuyến khích ngư dân tham gia xây dựng tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển. Mô hình này giúp ngư dân vững tin bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.
Xã Tam Quan Bắc là địa phương có đội tàu đánh bắt thủy sản xa bờ nhiều nhất huyện Hoài Nhơn - 291 chiếc trong tổng số 1.020 tàu cá. Toàn bộ các tàu này đều tham gia mô hình tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển. Tam Quan Bắc còn có nghiệp đoàn nghề cá với 141 tàu câu cá ngừ đại dương là thành viên. Theo Chủ tịch UBND xã Tam Quan Bắc Trương Quang Minh, nhờ tham gia tổ, đội đoàn kết và nghiệp đoàn nghề cá, ngư dân thêm tương thân, tương ái giúp nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và cứu hộ cứu nạn. Đặc biệt, khi phát hiện trường hợp tàu nước ngoài xâm phạm trái phép vùng biển Việt Nam, hay tấn công ngư dân thì bà con kịp thời hỗ trợ báo cáo, cung cấp thông tin cho ngành chức năng, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.
Tàu cá của ngư dân huyện Hoài Nhơn ra khơi khai thác thủy sản.
Một số tổ, đội đoàn kết còn liên kết hoàn chỉnh chuỗi hoạt động từ khai thác đến tiếp tế nhiên liệu, vận chuyển sản phẩm vào bờ, góp phần tăng hiệu quả sản xuất. Điển hình có tổ đoàn kết với 12 tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Bùi Thanh Ninh, ở xã Tam Quan Bắc; tổ đoàn kết làm nghề lưới vây ánh sáng của ngư dân Nguyễn Việt Hằng, ở phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn) với 4 tàu cá...
Ngư dân Bùi Thanh Ninh chia sẻ: “Hàng ngày tôi liên hệ với anh em thuyền trưởng trong đội tàu của mình, nắm tình hình hoạt động trên biển qua tin nhắn từ thiết bị giám sát hành trình trên tàu kết nối đồng bộ với phần mềm cài đặt trên điện thoại của mình. Qua đó, động viên anh em bám biển sản xuất, không được vi phạm vùng biển nước ngoài. Nếu tàu nào phát hiện luồng cá lớn mà không khai thác hết thì tôi liên lạc, điều tàu ở gần đến cùng khai thác; phân công tàu đưa sản phẩm vào bờ để bán, giúp giảm chi phí nhiên liệu, khai thác hiệu quả hơn, tăng thu nhập cho anh em bạn thuyền”.
Xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) cũng thành lập 40 tổ, đội đoàn kết với hơn 300 tàu cá; tùy theo từng loại nghề, như: mành chụp, lưới vây ánh sáng, nghề câu… mỗi tổ, đội thường có từ 3 - 5 tàu tham gia. Ngư dân Lê Tấn Hải, ở xã Cát Khánh, chủ tàu câu mực BĐ 93678-TS, bộc bạch: “Trước khi ra khơi, anh em trong tổ thông tin cho nhau về ngư trường khai thác, tình hình thời tiết và thường xuyên giữ liên lạc khi hoạt động trên biển, nhờ đó khai thác đạt hiệu quả hơn. Được chính quyền địa phương và ngành chức năng tuyên truyền, ký cam kết chấp hành Luật Thủy sản và các quy định về khai thác thủy sản trên biển, chúng tôi rõ ràng về các lợi ích nên tự ý thức chấp hành để bảo vệ lợi ích của mình và cộng đồng”.
Chủ tịch UBND xã Cát Khánh Đinh Thành Tiến cho hay: “Việc thành lập mô hình tổ, đội đoàn kết không chỉ giúp ngư dân yên tâm bám biển mà còn tạo thuận lợi cho chính quyền địa phương trong công tác quản lý tàu cá. Nhờ hoạt động theo mô hình tổ, đội đoàn kết, ngư dân đã từng bước nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật”.
Sau nhiều năm phát động phong trào xây dựng tổ, đội đoàn kết, đến nay, cả tỉnh đã thành lập 723 tổ, đội đoàn kết với 2.878 tàu cá tham gia. Ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), cho biết: Nhìn chung, các mô hình tổ, đội đoàn kết đã phát huy hiệu quả tích cực, khơi dậy tinh thần đoàn kết của ngư dân trong sản xuất, những lúc gặp rủi ro, tai nạn trên biển khi hoạt động khai thác thủy sản xa bờ tại các ngư trường Vịnh Bắc Bộ; quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; nhà giàn DK 1; vùng biển các tỉnh miền Nam… Song, việc thành lập tổ, đội đoàn kết vẫn còn một số hạn chế, thời gian tới, ngành Thủy sản sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền các địa phương củng cố, nhân rộng mô hình tổ, đội đoàn kết, nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn trên biển, bảo vệ chủ quyền biên giới biển, đảo của Tổ quốc.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN