Dừng đưa lao động đi làm việc tại vùng có dịch Covid-19
Các doanh nghiệp đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cần dừng ngay việc lao động đi làm việc tại các khu vực có dịch. Những doanh nghiệp không chấp hành sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu các đơn vị chủ động tham mưu xử lý những vấn đề phát sinh khi phòng, chống Covid 19
Ngày 26.2, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thông tin buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung với các đồng chí lãnh đạo Bộ và thủ trưởng một số đơn vị thuộc Bộ về tình hình và kế hoạch ứng phó dịch bệnh Covid-19.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu các đơn vị tập trung phòng, chống dịch Covid-19 nhưng đồng thời phải tập trung tháo gỡ những khó khăn trong lĩnh vực quản lý của ngành nhằm góp phần bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh và ổn định đời sống của nhân dân. Các đơn vị theo lĩnh vực được giao phụ trách cần đề cao tính chủ động, tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành liên quan để tham mưu, xử lý những tình huống phát sinh trong quá trình phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Cụ thể, về việc tiếp nhận lao động là người Trung Quốc quay trở lại Việt Nam làm việc, Cục Quản lý lao động ngoài nước cần xây dựng phương án tiếp nhận có chọn lọc, theo trình tự chặt chẽ và có lộ trình đối với một số chuyên gia, lao động tại một số ngành nghề, lĩnh vực nhất định, xuất phát từ yêu cầu cấp thiết của công việc. Đồng thời phải làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm ổn định tư tưởng của các lao động trong doanh nghiệp. Tất cả các trường hợp lao động quay trở lại làm việc đều phải tuân thủ quy định của Bộ Y tế về việc kiểm tra sức khỏe, cách ly.
Về vấn đề lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (nhất là lao động tại Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản), cần đẩy mạnh việc tuyên truyền ứng dụng “Kết nối người lao động đang làm việc ở nước ngoài” (COLAB SOS) của Trung tâm lao động ngoài nước, cần có những bài viết chuyên sâu, thông tin, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch nhằm tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng lao động Việt Nam ở nước ngoài và người dân để khuyến khích sử dụng ứng dụng một cách có hiệu quả.
Đồng thời, tuyên truyền, động viên, khuyến khích người lao động Việt Nam ở nước ngoài, nhất là tại Daegu và Gyeongbuk (Hàn Quốc) yên tâm làm việc, hạn chế đi lại, không đến các vùng có dịch và không rời khỏi quốc gia, vùng lãnh thổ đó khi không cần thiết nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Các doanh nghiệp đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cần dừng ngay việc lao động đi làm việc tại các khu vực có dịch. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp không chấp hành.
Các cơ quan đại diện lao động tại các vùng dịch cũng cần có các biện pháp tuyên truyền, khuyến cáo người lao động (kể cả lao động bất hợp pháp) chủ động khai báo y tế, theo dõi sức khỏe theo quy định của các nước sở tại trong trường hợp bị nhiễm hoặc nghi nhiễm dịch Covid-19 hoặc đến từ các vùng khác.
Đối với những lao động về nước từ vùng dịch do hết thời hạn hợp đồng, về trước thời hạn hợp đồng và những trường hợp cá biệt khác thì thực hiện việc tiếp nhận và cách ly y tế và giám sát theo đúng quy định của Bộ Y tế.
Cục Quản lý lao động ngoài nước đề xuất cấp có thẩm quyền có phương án chỉ đạo và ứng phó kịp thời khi tình hình dịch bệnh chuyển biến phức tạp, nhất là khu vực đúng tâm dịch.
Về vấn đề chính sách lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giao Cục Quan hệ lao động và Tiền lương chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế khẩn trương rà soát các quy định của pháp luật về lao động và các văn bản có liên quan để hướng dẫn các doanh nghiệp phương án xử lý do ảnh hưởng của dịch bệnh như: Các trường hợp người lao động được tiếp tục hưởng lương, các trường hợp ngừng việc, việc giải quyết chế độ ngừng việc, tiền lương ngừng việc cho người lao động, các trường hợp doanh nghiệp bị đình trệ sản xuất, kinh doanh…
Tiếp nhận có chọn lọc lao động Trung Quốc quay lại Việt Nam làm việc
Theo báo cáo nhanh của 60 địa phương, tổng số lao động Trung Quốc tại Việt Nam về nước ăn Tết Canh Tý là 26.904 người. Số lao động quay trở lại Việt Nam sau dịp Tết là 7.791 người. Tới thời điểm hiện nay, số lao động Trung Quốc làm việc tại Việt Nam là 15.310 người. Việc thực hiện cách ly, theo dõi nhằm phòng chống Covid-19 được áp dụng với 7.791 lao động ở 60 tỉnh, thành.
Theo phân tích của Bộ LĐ-TB&XH, 4.948 lao động đã vào Việt Nam trên 14 ngày, có 4.743 trường hợp cách ly và có 11 ca nghi nhiễm; có 2.842 trường hợp đã vào Việt Nam dưới 14 ngày, có 1.908 trường hợp cách ly và có 3 ca nghi nhiễm.
Liên quan tới vấn đề trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị các cơ quan quản lý thực hiện việc rà soát, nắm chắc tình hình lao động, việc làm của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tập đoàn trong nước cũng như các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để góp phần ổn định sản xuất.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần khuyến khích doanh nghiệp chủ động nguồn nguyên liệu phát triển sản xuất, đảm bảo ổn định sản xuất và đời sống người lao động, phối hợp với các địa phương kiểm soát chặt chẽ lao động qua lại đường mòn, lối mở tại các tỉnh biên giới.
Trong tình huống tiếp nhận lao động là người Trung Quốc quay trở lại Việt Nam làm việc, Bộ trưởng chỉ đạo việc xây dựng phương án tiếp nhận có chọn lọc, theo trình tự chặt chẽ và có lộ trình đối với một số chuyên gia, lao động tại một số ngành nghề, lĩnh vực nhất định, xuất phát từ yêu cầu cấp thiết của công việc.
Đồng thời cần làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm ổn định tư tưởng của các lao động trong doanh nghiệp. Tất cả các trường hợp lao động quay trở lại làm việc đều phải tuân thủ quy định của Bộ Y tế về việc kiểm tra sức khỏe, cách ly.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng giao Cục Việc làm tham mưu cho Bộ xây dựng phương án cụ thể về tiếp nhận lao động là người Trung Quốc quay trở lại Việt Nam làm việc, báo cáo lãnh đạo Bộ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Theo Thu Cúc (Chinhphu.vn)