Công tác cải cách tư pháp năm 2019: Triển khai đồng bộ, hiệu quả
Năm 2019, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh quyết liệt chỉ đạo, triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiệm vụ cải cách tư pháp; góp phần ổn định tình hình ANTT, phát triển KT-XH địa phương.
Công tác CCTP năm 2019 trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần ổn định tình hình ANTT, phát triển KT - XH địa phương.
- Trong ảnh: TAND tỉnh tổ chức phiên tòa xét xử vụ án hình sự.
Triển khai đồng bộ
Ông Sô Minh Phương, Trưởng ban Ban Nội chính Tỉnh ủy - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp (CCTP) tỉnh, đánh giá: Thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ CCTP theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh. Các cơ quan tư pháp trên địa bàn tỉnh tổ chức quán triệt, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng và các quy định mới của pháp luật trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Năm 2019, lực lượng CA thụ lý, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm đạt tỷ lệ hơn 92%; điều tra, khám phá các vụ phạm pháp hình sự đạt 92,6% về số vụ (tăng hơn 5% so với năm 2018).
Viện KSND 2 cấp kiểm sát giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm đạt tỷ lệ 94%; thụ lý kiểm sát điều tra đạt 99,7% về số vụ (tăng 0,7% so với năm 2018); thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự đạt 90,6%; thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm các vụ án hình sự đạt hơn 98%.
TAND 2 cấp giải quyết, xét xử đạt tỷ lệ 81% về số vụ; cơ quan thi hành án dân sự 2 cấp thi hành án dân sự vượt chỉ tiêu cấp trên giao.
Năm 2019, TAND tỉnh và Viện KSND tỉnh phối hợp tổ chức 131 phiên tòa rút kinh nghiệm nhằm nâng cao kỹ năng tranh tụng của kiểm sát viên và kỹ năng xét xử của hội đồng xét xử. Công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng được thực hiện chặt chẽ, đồng bộ ở tất cả các khâu; nâng cao chất lượng điều tra, xét xử, không để xảy ra án oan, sai và bỏ lọt tội phạm.
Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo CCTP tỉnh kiểm tra, nắm tình hình triển khai thực hiện công tác CCTP tại CA tỉnh, huyện Phù Cát và huyện Hoài Ân. Kết quả, cả 3 đơn vị đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, các ngành, địa phương bám sát tình hình thực tế; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu theo Nghị quyết đề ra. Mặt khác, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật; xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có tinh thần trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Ngoài ra, công tác giám sát của cơ quan dân cử và phát huy quyền làm chủ của nhân dân đối với cơ quan tư pháp cũng được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ. Nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề nổi cộm, được dư luận xã hội quan tâm, như: Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC; việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; việc thực hiện pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn; việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo…
Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả
Theo Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh, để công tác CCTP tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả, yếu tố con người đóng vai trò rất quan trọng. Do đó, các cơ quan tư pháp phải củng cố, kiện toàn, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả.
Ông Trần Văn Sang, Viện trưởng Viện KSND tỉnh, cho biết: Viện KSND tỉnh đã thành lập đủ 12 đơn vị cấp phòng, dự kiến sắp tới sẽ sắp xếp, tinh gọn chỉ còn 10 đơn vị cấp phòng; đồng thời luôn quán triệt, thực hiện nghiêm túc các quy định về CCTP. Đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động điều tra, cũng như kiểm sát chặt chẽ việc khởi tố vụ án, bị can.
Về TAND tỉnh, đơn vị này cũng đã sắp xếp lại các tòa chuyên trách theo hướng tinh gọn đầu mối, từ 5 tòa chuyên trách xuống còn 4; đồng thời, quy định lại chức năng, nhiệm vụ của các tòa chuyên trách cấp tỉnh, huyện. CA tỉnh đã và đang triển khai thực hiện Đề án “Điều động CA chính quy đảm nhiệm các chức danh CA xã”.
Đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh, cho biết: Thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác tư pháp và CCTP. Trong đó, trọng tâm là Nghị quyết số 49-NQ/TW, Kết luận số 79-KL/TW, Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị và các chương trình, kế hoạch của Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương.
Bên cạnh đó, các cơ quan tư pháp tăng cường phối hợp, tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng điều tra các vụ án, nhất là các vụ án nghiêm trọng, phức tạp; nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa. Nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án; đảm bảo việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và không bỏ lọt tội phạm, nhất là các vụ án tham ô, tham nhũng được dư luận xã hội quan tâm.
VĂN LỰC